Gìn giữ nét đẹp đình làng trong đời sống hiện đại
Ðình làng – một thực thể văn hóa làng xã có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Xã hội hiện đại, đình làng không còn chức năng mở như trước, nhưng vẫn giữ vai trò gắn kết cộng đồng và là biểu tượng văn hóa tâm linh của một bộ phận dân cư.
Đình làng – một thực thể văn hóa
Đình làng An Cửu (thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) là ngôi đình hiếm hoi trong tỉnh Bình Định còn giữ được kiến trúc xưa với hai trụ nghi môn được điêu khắc, khảm mẻ độc đáo, lưu giữ được 5 sắc phong thần của các vua triều Nguyễn, gồm: Thành Thái (2 sắc), Duy Tân (2 sắc), Khải Định (1 sắc).
Cụ Lê Văn Châu (83 tuổi, ở thôn An Cửu) chia sẻ: Năm 2004, người dân tự góp kinh phí trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình và trụ nghi môn phía Tây bị hư hại do chiến tranh. Cứ đến tiết Thanh minh hằng năm, bà con tổ chức hội làng cúng thành hoàng làng cầu mong bình yên, may mắn. Theo lệ, ba năm sẽ tổ chức hát bội một lần. Đình An Cửu được người dân trong thôn xem như một biểu tượng lịch sử, văn hóa truyền thống, là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, tinh thần, đoàn kết cộng đồng dân cư trong đời sống hôm nay.
Đình làng An Cửu (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) còn lưu giữ kiến trúc xưa của 2 trụ nghi môn và 5 sắc phong thần của các vua triều Nguyễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Đình làng Hưng Lương xưa (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) chỉ còn là phế tích. Đến năm 2004, theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền đã quy hoạch khu đất mới để người dân phục hồi lại ngôi đình. Cụ Nguyễn Văn Mạnh (74 tuổi, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý), thủ quỹ Ban tín ngưỡng đình làng Hưng Lương, cho biết: Người dân chúng tôi cùng bàn thảo, thống nhất góp của, góp công xây dựng lại đình để thờ thành hoàng, các bậc tiền hiền, hậu hiền và chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3 âm lịch hằng năm để tổ chức lễ Thanh minh tại đình, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, gắn kết cộng đồng với nhau. Cùng với các di tích, thắng cảnh khác trên địa bàn xã Nhơn Lý, mấy năm gần đây đình làng Hưng Lương trở thành điểm đến được nhiều người quan tâm, tham quan khi đến địa phương.
Tại đình làng Ngọc Thạnh (thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước) – được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2022 – cùng với việc thờ thành hoàng làng, người dân còn thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần) và rước bản sao sắc phong của vua Tự Đức ban sắc Đức Thánh Trần từ quê hương của Đức Thành Trần (tỉnh Nam Định) về thờ trong đình.
Theo cụ Nguyễn Xuân Du (85 tuổi, ở thôn Ngọc Thạnh 2), hằng năm, người dân duy trì tổ chức các lễ cúng thượng nguyên (rằm tháng Giêng âm lịch), trung nguyên (rằm tháng 7 âm lịch), hạ nguyên (rằm tháng 10 âm lịch); lễ thanh minh; lễ tế xuân, tế thu tại đình và lễ giỗ Đức Thánh Trần vào ngày 20.8 âm lịch để tri ân tiền nhân, giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau truyền thống yêu nước của dân tộc.
Đình làng Vinh Thạnh (thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2000 – là một điểm di tích độc đáo, nơi thờ thành hoàng làng là Đào Tiên Ông (tên húy Đào Đức Phú) người có công khai lập làng Vinh Thạnh. Ngoài ra, cộng đồng dân cư địa phương còn thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn, là người đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng ngôi đình.
Bảo tồn nét văn hóa làng
Để phát huy giá trị di tích các đình làng ở địa phương, ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng VH&TT huyện Tuy Phước, cho biết: Huyện đã bố trí vốn hơn 5 tỷ đồng để đầu tư tôn tạo di tích đình làng Vinh Thạnh trong năm nay. Với đình làng Ngọc Thạnh, huyện cũng có kế hoạch đầu tư tôn tạo trong năm tới, nhằm phát huy ý nghĩa, giá trị của các di tích đình làng gắn kết với các di tích văn hóa, lịch sử khác trên địa bàn huyện Tuy Phước để phát triển du lịch.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, đình làng xưa có chức năng là nơi làm việc của chính quyền cơ sở, nơi thờ thành hoàng, giải quyết các vấn đề của xã hội và là nơi sinh hoạt văn hóa của làng quê. Chính vì vậy, đình làng là ngôi nhà công cộng gắn với làng, hầu hết các việc chung của làng và hội làng đều diễn ra ở đình. Ngày nay, chức năng trụ sở của chính quyền, nơi hội họp của đình làng đã dần chuyển sang các khu sinh hoạt văn hóa, nhà văn hóa thôn, xã, còn đình làng là nơi hướng về tín ngưỡng thờ thành hoàng, những người có công với nước, với địa phương gắn với các lễ hội dân gian tổ chức tại đình làng, đặc biệt đình là nơi để gắn kết cộng đồng, phát huy tình đoàn kết dân tộc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang cho biết: Nhiều đình làng ở tỉnh Bình Định được người dân chung tay bảo tồn, phục hồi, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa trong dân gian. Bảo tồn đình làng không có nghĩa chỉ là bảo tồn cái đình mà còn giữ lại và phát huy không gian văn hóa làng. Do vậy, đình làng ở nông thôn khi được bảo tồn sẽ dễ phát huy giá trị, còn đình làng ở thành phố khi bảo tồn là để giữ gốc tích, chứ rất khó để phát huy giá trị văn hóa.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN