Gặp nữ sĩ Bàng Ái Thơ, thấy câu nói “văn là người”, tức đọc văn biết người, thật đúng. Ngoài đời, chị dịu dàng và bao dung giống như mỗi áng thơ chị viết…
Ảnh bìa cuốn thơ Ma thuật thi ca. |
Một ngày cuối tuần Hà Nội lộng gió, tôi có cơ hội ngao du Ba Vì cùng hai nhà thơ Nguyễn Bích Ngọc và Văn Phong. Địa danh chúng tôi đến là nơi mà chỉ nghe tên người ta đã thấy ở đó có thi, có cầm, có kỳ, có họa… Đó là Đồi nghệ sĩ – tư gia của nhà văn – nhà thơ – nhạc sĩ – họa sĩ Bàng Ái Thơ và diễn viên gạo cội Văn Báu.
Xe vừa dừng, tôi đã không thể kìm nén sự thích thú trước không gian tràn ngập màu xanh của cây cối và sắc hoa rực rỡ đang rung rinh trong cái nắng se lạnh cuối Thu vô cùng dễ chịu. Phải gọi đó là nơi mà bên ngoài là tác phẩm thiên nhiên, bên trong là khu vườn nghệ thuật mới đúng.
Còn đang mải ngắm nghía thì hai chủ nhân đã ra đến nơi. Chị Ái Thơ nở nụ cười đon đả đón hai đồng môn thơ phú của mình, còn tôi thì vừa ngạc nhiên, vừa bất ngờ khi người bắt tay mình lại là diễn viên Văn Báu – người mà tôi chỉ nhìn thấy trên truyền hình. Chị Ái Thơ dịu dàng nói với tôi: “Ngạc nhiên phải không? Rất nhiều người biết chị nhưng không biết về anh Báu và ngược lại. Hôm nay, điều không bí mật đã được bật mí nhé!”
Cái duyên với nghệ thuật
Nhìn vào dòng dõi gia đình Ái Thơ – người ta càng hiểu vì sao chị lại sở hữu nhiều tài nghệ như vậy. Nhà thơ sinh năm 1958 là cháu nội của cụ Bàng Nguyên Dũng (tức cụ Nghị Bắc kỳ), hậu duệ đời 32 của Lý Thái Tổ, dòng dõi hậu duệ đích tôn của Hoàng tử thứ ba Lý Hùng Tích Hoài Nam Vương và là con đẻ của nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên – là người đa tài, học rộng và nổi tiếng là chính trực.
Bác ruột của Ái Thơ chính là thi sĩ đồng quê Bàng Bá Lân, chủ soái Thi Phái Sông Thương, người nổi tiếng với hai câu thơ “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”… Dòng dõi là cái nôi, là cây đại thụ để nữ sĩ Bàng Ái Thơ tựa vào, nhìn vào để noi theo và bền bỉ phấn đấu.
Chị chia sẻ: “Khi còn nhỏ tôi đã thích đọc, thích viết, thích vẽ những gì hiện diện quanh mình. Tôi vẽ những bức tranh bằng sự quan sát non nớt, trong sáng. Rồi từ đâu đó, như một sự thúc đẩy vô hình, tôi thèm được viết ra những suy nghĩ ngây thơ hồn nhiên của đứa trẻ mới chỉ 7-8 tuổi”.
“Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha mình, thấm nhuần giáo dục trong khuôn phép riêng của một dòng tộc có bề dày trong lịch sử văn học nước nhà. Khi những đứa trẻ khác còn đang thèm khát sự yêu thương, âu yếm của cha mẹ, thì tôi tự tách mình ra khỏi thế giới con trẻ, tạo cho mình những khoảng lặng để được viết, được vẽ và những con chữ được nảy nở… Những hình ảnh từ thiên nhiên bật nẩy trong tâm hồn tôi và từ đó, tôi đã theo đuổi ước mơ của mình: Một người sống chân thành với nghề cầm bút. Bố tôi đã lặng lẽ động viên con gái khi thấy tôi có khả năng nối tiếp nghiệp nhà một cách dè dặt mà chắc chắn”, nữ sĩ Bàng Ái Thơ bộc bạch.
Đi dạo cùng nhau trong vườn, Ái Thơ đưa tôi ngược dòng thời gian trở về quá khứ – khi chị theo cha đến lớp viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và ngồi cuối lớp nghe cha trao đổi phương pháp tiếp cận văn chương hiện đại với các nhà văn đã thành danh. Có lẽ mạch nguồn văn chương ngấm sâu trong chị như một định mệnh.
“Những áng thơ văn, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh của các bậc tiền hiền trong dòng tộc nhà tôi, những vẻ vang của hành trình văn học nghệ thuật nước nhà là yếu tố chính tạo cho tôi những động lực mạnh mẽ hơn, cho tôi có nội lực bền bỉ mà nối nghiệp nhà”, chị chia sẻ.
Thấm nhuần tư tưởng của các tiền bối trong gia đình nên dù đi đâu, làm gì thì đất nước, dân tộc vẫn luôn hiện diện và giữ vai trò chủ đạo trong những áng thơ ca, những nốt nhạc trầm, những tác phẩm hội hoạ vẫn mang hơi thở Việt Nam của chị.
Bàng Ái Thơ từng đoạt ba giải thưởng văn học trong nước. Đồng thời, chị còn đoạt ba giải thưởng âm nhạc. Đặc biệt, chị là một họa sĩ tài hoa với ba triển lãm tranh cá nhân mà những cuộc triển lãm tranh chưa hết khai mạc tranh đã có chủ sở hữu. |
Thơ là lẽ sống, là cuộc đời
Ngắt một bông hồng ta thơm ngát đưa cho tôi, Bàng Ái Thơ chia sẻ về cái nghiệp gieo vần và làm bạn cũng những con chữ của mình: “Tôi làm thơ từ những trăn trở trong đời sống thường nhật. Tôi luôn có những suy nghĩ rằng: phụ nữ là nửa thế giới chịu trách nhiệm làm nên những kỳ diệu từ trong đời sống, cùng góp phần với nửa thế giới kia tạo nên một hành tinh văn minh phồn thịnh…”.
Đó cũng chính là lý do Ái Thơ muốn tác phẩm của mình được vươn tầm ra thế giới, tới tay bạn đọc yêu thơ, mong được chạm vào những trái tim đồng cảm với hồn thơ chị. Theo chị, phụ nữ – ngoài những điểm chung thì mỗi người đều có những cái riêng, những góc khuất của cuộc đời, mà chỉ phụ nữ mới thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia với nhau dưới nhiều nội dung, hình thức. Thơ ca cũng là một trong những hình thức cảm thông, được thông qua ngôn ngữ giãi bày trang trọng.
“Tôi cố gắng trách nhiệm với từng con chữ và mong muốn những thông điệp yêu thương từ thơ tôi có một ngày được các bạn đọc trên thế giới hoan nghênh đón nhận”, chị tâm sự.
Bàng Ái Thơ không định đi sâu vào loại hình nghệ thuật nào cụ thể, nhưng từ đâu đó trong đời này, những thanh âm của cuộc sống cứ hình thành trong não bộ của chị và đòi hỏi chị phải giải mã chúng.
“Nếu ngôn ngữ của thơ chưa giúp tôi truyền tải hết những gì tôi muốn nói thì hội hoạ sẽ giúp tôi làm nốt phần còn lại. Rồi cứ thế các loại hình nghệ thuật đã xuất hiện, lấn nhau trong não bộ của tôi. Vậy là tôi tự cởi mở hồn tôi thêm chỗ cho âm nhạc len vào tác phẩm, để chúng quấn quyện lấy nhau. Cho dù tươi vui rộn ràng hay u sầu tư lự thì thơ ca, nhạc, họa của tôi tự dung nạp nhau mà dập dìu cất cánh theo tâm hồn”, Ái Thơ giãi bày.
Vợ chồng Văn Báu – Ái Thơ. (Ảnh: MH) |
Cập bến tình yêu
Cuộc đời không ưu ái Bàng Ái Thơ trên con đường số phận và chị cố cưỡng lại những hà khắc nghiệt ngã của phận số mà vươn lên từ bão giông cuộc đời.
Chị nói: “Quá nửa đời người, anh Báu đã đến bên tôi, làm bạn với tôi như là định mệnh. Anh thấu hiểu phần nào công việc của tôi và tìm cách chia sẻ. Anh vui cùng tôi những lúc tôi thả nổi công việc mà lang thang hòa mình vào thiên nhiên như chim nhỏ ngoài trời. Anh đọc những tác phẩm của tôi để chuyển tới các chương trình phát về văn học qua giọng đọc và cảm xúc, sắc thái của anh, truyền tải những thông điệp trong tác phẩm một cách đầy trách nhiệm. Những tác phẩm của tôi, anh đọc và thể hiện được các bạn đọc, nghe trong nước và quốc tế hoan nghênh đón nhận và dành tình cảm đặc biệt cho vợ chồng tôi”.
Với những cố gắng nỗ lực từ bản thân, những tác phẩm của Bàng Ái Thơ được lan toả ra thế giới. Ngoài những chùm thơ được nhiều nước in ấn trên các tạp chí của của các nước khác, thì ở Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Đức – tuyển tập thơ Ma thuật thi ca của chị cũng được xuất bản và phát hành.
Chị bảo, “tôi vẫn và sẽ còn nỗ lực nhiều với nghiệp gieo vần như những cung số chìm nổi vận vào đời. Cảm ơn số phận đã không tạo một vòng tròn không lối thoát cho bất kỳ một sinh linh nào. Khi ta được làm người, khi ta rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nào đó, hãy tin rằng lối thoát đang ở trước mặt ta. Số phận chỉ chập chờn, biến ảo như đùa giỡn với kiếp người mà thôi. Tự ta phải nỗ lực vượt qua số phận để thay đổi những bước đi, tìm kiếm sự thăng bằng cho đời mình”.
Tạm biệt nữ sĩ cầm – kỳ – thi – họa họ Bàng, tôi thực sự ấn tượng trước sự kiên cường và sức mạnh lớn lao tiềm ẩn trong người phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng ấy. Mong chị luôn khỏe mạnh và thật hạnh phúc để tiếp tục trọng trách đã vận vào đời chị như một đường chỉ tay mang hình số phận. Mà như chị nói là, viết những gì cần viết khi thời gian còn ưu ái cho chị được hưởng kiếp nhân sinh.
Nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Bàng Ái Thơ đã xuất bản bảy cuốn thơ, trong đó có tác phẩm mới nhất được xuất bản song ngữ ở Canada: Mắt lặng (NXB Hội Nhà văn), Ánh sáng từ viên sỏi (NXB Hội Nhà văn), Sớm mai xuân (NXB Văn học), Trở lại mình (NXB Hội Nhà văn), Cát loãng (NXB Hội Nhà văn), Bạch lạp và Hoa hồng (NXB Hội Nhà văn), Ma thuật thi ca (NXB Ukiyoto Canada), in tại Đức bằng tiếng Đức. |