SGGP
Không còn bị mặc định là khô khan, sách khoa học dành cho thiếu nhi giờ đây được các đơn vị xuất bản trong nước đầu tư cả về nội dung và hình thức. Điều này xuất phát từ nhu cầu ngày càng lớn của học sinh và phụ huynh trước sự thay đổi của công nghệ cũng như các vấn đề xã hội nói chung.
Phụ huynh và các em nhỏ tìm hiểu về bộ sách khoa học The Young Scientists |
Mở ra cơ hội khám phá thế giới
Tại Đường sách TPHCM, Công ty Seednet Books liên kết với Nhà xuất bản (NXB) Thanh Niên vừa giới thiệu đến độc giả bộ truyện tranh The Young Scientists. Đây là bộ truyện nổi tiếng với 23 năm phát hành tại Singapore, mang đến những kiến thức khoa học STEAM gắn liền với chương trình học của các em trong nhà trường, bao gồm: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Maths (Toán học) hoặc Mathematics (Toán học ứng dụng).
Với hình thức chủ yếu là truyện tranh khoa học, in màu khổ giấy lớn và trình bày bắt mắt, The Young Scientists khơi gợi sự hứng thú cho học sinh nhằm giúp các em ghi nhớ dễ dàng các kiến thức và thông tin cần thiết một cách hào hứng, đồng thời kích thích tình yêu khoa học, yêu thiên nhiên, sinh vật, môi trường trong mỗi đứa trẻ.
Trước bộ truyện The Young Scientists, các đơn vị xuất bản trong nước như NXB Kim Đồng, Nhã Nam, Đông A, Đinh Tỵ Books… đều có những ấn phẩm chất lượng, cung cấp kiến thức với nhiều lĩnh vực khác nhau cho các em. Chẳng hạn NXB Trẻ với bộ sách khoa học nổi tiếng Horrible, gồm nhiều lĩnh vực: khoa học, địa lý, lịch sử, toán học… Cùng với đó là các bộ National Geographic Kids, Nhà khoa học nhí, Lịch sử Việt Nam bằng tranh, Hành trình khám phá…
Chia sẻ về tầm quan trọng của sách khoa học đối với trẻ, TS Nguyễn Trần Vỹ, chuyên viên nghiên cứu về sinh thái bảo tồn và thực hiện các chương trình về giáo dục môi trường tại Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: “Sách khoa học là một công cụ hữu ích và quan trọng, giúp các em khám phá môi trường sống xung quanh hiệu quả nhất. Bởi vì suy cho cùng, các bé phát triển tư duy đều thông qua các câu hỏi tại sao, như: Tại sao có mưa? Tại sao con chim phải di cư, không ở phía Bắc mà phải bay về phía Nam?… Và sách khoa học bước đầu giúp bé lý giải được những thắc mắc đó. Và khi có kiến thức, bé sẽ tự tin hơn rất nhiều”.
Nhà văn Trần Gia Bảo, một trong ba cố vấn bản tiếng Việt của The Young Scientists, chia sẻ: “Giống như người kể chuyện, nếu kể với sự truyền cảm, vận dụng kỹ thuật lên bổng xuống trầm, nhấn nhá, ngắt giọng… dễ lôi cuốn người nghe. Sách khoa học dành cho trẻ em cũng vậy. Các bé sẽ khó lòng tiếp nhận lý thuyết khô khan, vậy nên, người làm sách hãy biến nó thành câu chuyện, trò chơi với tranh ảnh đẹp, gần gũi, dễ hiểu. Sách vừa là bạn vừa là chiếc hộp bí mật, khiến bé háo hức, tò mò khám phá”.
Thị trường tiềm năng
Từ 2 năm nay, số liệu tổng kết về doanh thu của Đường sách TPHCM đều cho thấy, doanh thu từ sách thiếu nhi có xu hướng tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu sách thiếu nhi đạt gần 4,6 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); số bản sách bán ra đạt 115.169 cuốn (tăng 26% so với cùng kỳ).
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, đánh giá: “Hoạt động xuất bản sách cho thiếu nhi thời gian qua khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Các NXB và đơn vị làm sách đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những cuốn sách, bộ sách đủ sức cuốn hút các em nhỏ thông qua khả năng kích thích các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê của trẻ em”.
Còn theo ông Nguyễn Thuận Thành, Giám đốc Seednet Books, nhìn rộng ra, không chỉ trong thị trường sách mà nhìn vào thị trường sản phẩm phục vụ giáo dục khoa học cho trẻ em sẽ thấy cơ hội đang rất nhiều. Ngoài sách còn có sự bùng nổ của các trung tâm dạy về STEAM, Science, Roboticts… “Một khóa học như vậy cũng phải mất từ 40-50 triệu đồng nhưng có rất nhiều người đăng ký. Từ đó có thể thấy nhu cầu được tiếp cận, học hỏi, trang bị kiến thức để con trở thành công dân toàn cầu thông qua tìm hiểu kiến thức liên ngành, trong đó khoa học là cầu nối quan trọng”.
Có một thực tế là thị trường sách khoa học thiếu nhi trong nước hiện nay chủ yếu vẫn đến từ sách dịch. Sách do các tác giả trong nước viết còn rất hạn chế. Chị Đào Mai Ly, Trưởng Phòng Truyền thông NXB Trẻ, cho biết: “NXB Trẻ luôn đầu tư cho mảng sách thiếu nhi, trong đó có sách khoa học. Tuy nhiên, hiện tại đa phần sách khoa học thiếu nhi của NXB Trẻ đến từ nước ngoài, các tác giả trong nước thường viết sách văn học nhiều hơn sách khoa học. Hy vọng các nhà khoa học, nhà giáo dục có thể dành thời gian viết sách cho các bé, nhất là những kiến thức khoa học gắn với đặc trưng nước nhà”.