NGUYỆT CÁT (Theo CNA)
“Ðó có phải là nhãn “An toàn cho cá heo” hay nhãn “Hải sản được chứng nhận bền vững” trên hộp cá ngừ không?” – một nhóm học sinh lớp 4 hào hứng trao đổi khi xem thông tin về các sản phẩm được trưng bày tại gian hàng EcoMart, trong một tiết khoa học tại Trường Tiểu học Si Ling (Singapore). Với những bức tường chứa đầy thông tin về tiêu dùng sản phẩm địa phương, đánh bắt cá quá mức và vật liệu bền vững, gian hàng đặc biệt này là một phần trong sáng kiến của chương trình học tập ứng dụng mà qua đó trao quyền cho học sinh thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ môi trường, không chỉ tại trường học mà còn ở nhà và trong cộng đồng.
Học sinh tích cực tham gia tìm hiểu thông tin về lối sống bền vững tại EcoMart.
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Gan Siow cho biết tính bền vững của thực phẩm sẽ là trọng tâm giảng dạy trong các trường học năm 2023. Theo đó, Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ các trường nêu bật tầm quan trọng của sản xuất lương thực bền vững trong chương trình học, đồng thời thiết lập cơ sở vật chất để học sinh áp dụng kiến thức học được về sản xuất lương thực và quản lý chất thải thực phẩm. Phóng viên hãng tin CNA đã ghi nhận quá trình giáo viên khoa học Ashri Shukri dạy về lối sống bền vững cho học sinh.
Ðầu tiết học, thầy Ashri hỏi học sinh có thường đi mua đồ tạp hóa với cha mẹ không và hầu hết đều gật đầu. “Lựa chọn mà các trò đưa ra ở siêu thị có thể tác động đến môi trường không?” – thầy tiếp tục hỏi. Các học sinh đồng thanh trả lời lớn: “Có!”. Kế đến, thầy giao cho cả lớp nhiệm vụ tổ chức một buổi dã ngoại giả định, với yêu cầu phải tìm và chọn mua sản phẩm cá ngừ, sô-cô-la, khăn giấy và đĩa dùng một lần đảm bảo tính thân thiện với môi trường.
Các học sinh được chia thành nhóm 3-4 người và được phát máy tính bảng để xem video về các chủ đề như ô nhiễm nhựa, đọc hiểu các nhãn hàng được công nhận là sản xuất bền vững đối với môi trường. Ví dụ, nhãn “An toàn cho cá heo” chỉ ra rằng công ty đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp không gây hại cho cá heo và bảo vệ hệ sinh thái biển. Còn chứng nhận của Hội đồng quản lý rừng (FSC) đảm bảo các sản phẩm từ gỗ như khăn giấy phải đến từ các khu rừng được quản lý có trách nhiệm. Nhãn “Hải sản bền vững” từ Hội đồng quản lý biển chứng nhận hải sản đó được đánh bắt theo cách không ảnh hưởng nguồn cung cá ở hiện tại và trong tương lai. Tiếp theo, các nhóm đến EcoMart, đọc hướng dẫn và điền vào phiếu bài tập trong khi thảo luận sôi nổi với các thành viên, sau đó các em đến các kệ hàng để tìm sản phẩm cần thiết cho buổi dã ngoại. Mỗi kệ tại EcoMart chứa cùng một sản phẩm từ các thương hiệu khác nhau và các em cần xem kỹ từng nhãn hàng trước khi quyết định chọn loại thân thiện với môi trường nhất.
Trả lời phỏng vấn CNA sau khi tiết học kết thúc, thầy Ashri cho biết cách tiếp cận như vậy khuyến khích học sinh tự nghiên cứu và tìm kiếm thông tin về các sản phẩm bền vững với môi trường, giúp việc học về tính bền vững trở nên sống động đối với học sinh và các em có cơ hội thực hành ra quyết định một cách có trách nhiệm. Các khối lớp khác nhau được tìm hiểu các khía cạnh khác nhau về tính bền vững của thực phẩm. Chẳng hạn, học sinh lớp 6 học về quãng đường vận chuyển thực phẩm góp phần gây biến đổi khí hậu ra sao, nhiệm vụ của các em là so sánh các quốc gia sản xuất sản phẩm và tính toán quãng đường mà các sản phẩm được vận chuyển trước khi quyết định chọn mua loại nào. Thầy Ashri cho biết tại EcoMart còn có một nông trại thủy canh thẳng đứng nhỏ, được sử dụng trong các bài học khác khi học sinh tìm hiểu về cách trồng rau tại địa phương.
Theo thầy, việc cho học sinh cơ hội áp dụng kiến thức hoặc sử dụng thông tin trong một tình huống mới giúp các em học tập sâu hơn và tạo ra những kết nối có ý nghĩa. Mô hình “siêu thị” EcoMart có thể dạy học sinh hiểu rằng mua nhiều hàng hóa bền vững hơn có thể giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm chất thải.
Thật vậy, sau khi trải qua bài học này hồi năm ngoái, Chai Xin Lyn – một “đại sứ môi trường” khối lớp 5 – cho biết: “Chúng em đã học cách mua sắm bền vững và có khẩu hiệu mới là “ABC”, với A nghĩa là tránh mua sắm bốc đồng, B nghĩa là mua sắm ít và C là chọn sản phẩm tốt”. Lyn kể cô bé sẽ giải thích cho cha mẹ hiểu rồi chỉ cho họ xem về các nhãn hiệu khác nhau khi mua sắm. Tương tự, các đại sứ môi trường khác cũng kể về cách các em giải thích ý nghĩa của những nhãn hiệu cho cha mẹ. Các em nói rằng cha mẹ đã lắng nghe hướng dẫn của mình trong khi mua sắm, rằng cha mẹ rất vui và tự hào khi các em học được điều này ở trường.