Thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông cho biết: “Trường hiện có 16 lớp với 384 học sinh, trong đó có 3 điểm trường tại các bản Há Dùa, Xá Tự, Huổi Anh, đều là lớp ghép 1 – 2. Những điểm này thiếu thốn, khó khăn nên nhà trường tạo điều kiện không sắp xếp giáo viên nữ mà chỉ phân công các giáo viên nam hàng năm thay nhau phụ trách. Tại các điểm trường, mặc dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng nhà trường đã được đầu tư điện năng lượng mặt trời đảm bảo thắp sáng phòng học, làm việc và sạc pin điện thoại cho giáo viên. Tại đây mỗi thầy giáo vừa dạy học vừa chăm sóc học sinh”.
Vì học tại bản, học sinh không có chế độ ăn bán trú, nên để thực hiện tốt những nhiệm vụ ấy, sau giờ học, các thầy tự tăng gia trồng nhiều loại rau theo mùa để bổ sung món cho bữa ăn của học trò. Tận dụng đất trống, điểm trường nào cũng có những luống rau xanh. Thầy Quàng Văn Pọm, công tác tại đây từ năm 2011, đã đi hết các điểm bản, chia sẻ: “Học sinh vùng cao, hầu hết là con hộ nghèo, hàng ngày đi học xách theo lồng cơm để sẵn cho bữa trưa, thường chỉ có miếng trứng rán, cá khô hoặc mì tôm. Vì thế buổi trưa, tôi thường nấu dư, nhất là canh rau mình tự trồng được, để san sẻ với các em”. Cũng nhờ đó, dù khó khăn nhưng học sinh các bản vùng cao nơi đây đều yêu trường, mến lớp, 100% trẻ em đến tuổi ra lớp đầy đủ, tỉ lệ chuyên cần cao.
Vất vả hơn cấp tiểu học, Trường Mầm non Tênh Phông có 4 điểm trường ở các bản chưa có điện, cũng chưa được đầu tư nguồn năng lượng thay thế, bởi vậy không phòng học nào có thiết bị điện. Dù lớp học đều được thiết kế thông thoáng, đón ánh sáng nhưng việc giảng dạy, chăm sóc trẻ vẫn gặp những trở ngại khi thời tiết không thuận lợi. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, các giáo viên phải tự trang bị cho mình nhiều đồ dùng, trang thiết bị cần thiết. Cô giáo Phan Thị Thiêm, điểm trường mầm non bản Huổi Anh cho biết: “Điểm có 2 giáo viên và 28 học sinh lớp ghép các độ tuổi 3, 4, 5. Hàng ngày lên lớp, chúng tôi phải mang theo máy tính cá nhân đã sạc đầy pin để mở nhạc, hình ảnh, hỗ trợ thêm công tác giảng dạy và tổ chức một số hoạt động cho các em. Vì bản không có điện, ít được tiếp xúc với các thiết bị thông minh, video, hình ảnh động nên các em đều rất háo hức, sôi nổi khi được học, hát, múa, chơi trò chơi với sự bổ trợ của máy tính”. Ở mỗi điểm trường, các cô đều tự nấu nướng, chăm sóc học sinh. Không có điện, hàng ngày, giáo viên chuẩn bị bữa ăn cho các con bằng bếp củi, lem nhem nhọ nồi.
Mặc dù người dân Tênh Phông đã ý thức được sự quan trọng của việc học, nhưng còn tồn tại trường hợp học sinh có ý định nghỉ học giữa chừng. Năm vừa rồi, giáo viên các trường cùng cán bộ xã nhiều lần đến nhóm Thẩm Táng, bản Xá Tự để vận động đưa 1 trẻ mầm non và 1 học sinh THCS cùng gia đình trở lại trường. Đường xe máy từ xã vào bản gần 2 giờ, thêm 2 – 3 giờ đi bộ đường rừng mới vào đến nhóm dân cư. Hay trong năm học này, thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông đã dùng mọi biện pháp, đặc biệt tâm sự, động viên để 1 học sinh nữ lớp 8 sau khi lấy chồng vẫn quay trở lại lớp học. Đồng thời em và gia đình cam kết không để em mang thai ở độ tuổi này, tiếp tục việc học. Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông đánh giá: “Dù địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy cô giáo các cấp học vẫn luôn tận tình, hết mình chăm lo cho học trò, cố gắng vượt qua những gian khó, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục. Nhờ có sự tâm huyết của các giáo viên, tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi của xã đạt 100%; ngày càng nhiều em tiếp tục học lên cao hơn, theo đuổi ước mơ, đóng góp cho xã hội; trình độ dân trí, nhận thức xã hội của người dân vùng cao nơi đây cũng không ngừng nâng lên…”