Nghề làm giấy thủ công của Việt Nam như giấy dó, giấy dướng từng có những quãng thời gian đứng trước nguy cơ thất truyền bởi sự lấn át của những loại giấy công nghiệp giá rẻ. Nhưng giờ đây, giấy dó đang trở lại cùng với sự sáng tạo của những bạn trẻ. Họ đã đem đến cho giấy cổ truyền Việt một khuôn mặt mới…
Tìm lại những mảnh nhỏ của truyền thống
Những ngày cuối năm, Đoàn Thái Cúc Hương rất bận rộn. Ngoài công việc dạy tiếng Anh ở trường thì hầu như đêm nào cô cũng làm việc đến quá nửa đêm để hoàn trả các đơn hàng từ khắp nơi trong và ngoài nước. Căn nhà nhỏ của cô ở một con ngõ nhỏ trên phố Đông Tác ngày thường đã bộn bề những đèn, những quạt, những sổ sách thì những ngày này càng bộn bề hơn với lịch, với thiệp mừng, với những bao lì xì xinh xắn bằng giấy dó, giấy dướng. Nhà chật đến nỗi, mỗi khi tiếp khách, cô phải “chuyển địa điểm” sang quán café.
Hương chia sẻ rằng, cơ duyên đưa cô đến với giấy dó là trong một lần đi học làm ép hoa khô, cô được người hướng dẫn đưa cho tờ giấy dó. Cầm tờ giấy ram ráp, màu trầm ấm và những đường vân lạ mắt, Hương bất giác thốt lên: “Ồ, sao lại có loại giấy đẹp như thế này được nhỉ?”.
Hôm đó cũng là lần đầu Hương được biết đến một loại giấy cổ truyền của Việt Nam, được nghe những cái tên “giấy dó”, “giấy dướng”. Những loại giấy đậm bản sắc Việt đối với Hương như là một khám phá mới và cô lập tức bị cuốn hút.
“Lúc đó, tôi chưa có một ý niệm gì về giấy dó, chỉ nghe đâu đó về giấy điệp dùng để vẽ tranh Đông Hồ. Thậm chí, tôi cũng không biết rằng, giấy điệp chính là giấy dó được bồi điệp lên” – Hương nói.
Bỏ công tìm hiểu, Hương thấy rằng, việc khai thác các sản phẩm từ giấy cổ truyền vẫn còn ít và chưa triệt để. Ngoài số ít hoạ sĩ làm chất liệu vẽ tranh thì cũng có một vài bạn trẻ ở lứa 9X như mình dùng giấy dó làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công. Nhưng việc tiếp cận giấy dó như vậy chỉ ở mức “tiêu dùng cơ bản nhất” như làm sổ ghi chép, tờ lịch hay gấp giấy theo phong cách origami Nhật Bản. Trong khi đó, ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan, Indonesia họ cũng có giấy cổ truyền và khai thác nó rất tốt. Tại sao Việt Nam có một tờ giấy đẹp như vậy mà lại chưa được khai thác, hay nói đúng hơn là khai thác chưa “đã”, chưa tới như vậy?
Trăn trở với suy nghĩ ấy, năm 2021 Hương đã bỏ ra 5 tháng trời để suy nghĩ, thử nghiệm “làm cái gì, làm thế nào” với giấy dó. Càng tìm hiểu, Hương càng phát hiện ra những điều không ngờ tới và có thêm những ý tưởng mới. Cho đến bây giờ, Hương đã thử sức với giấy dó bằng những sản phẩm mang hơi thở văn hóa Việt truyền thống như quạt giấy, đèn trang trí, đèn kéo quân, sổ dát xương lá bồ đề…
Hương bộc bạch rằng, cô rất yêu lịch sử, từng có ý định học lịch sử từ thời còn là học sinh phổ thông. Nhưng vì vài lý do, cô rẽ sang công việc của một giáo viên tiếng Anh. Giờ đây, nhờ giấy dó, cô đã được trở về với lịch sử, có thể đưa những loại hình nghệ thuật dân gian, những thứ đang dần bị mai một trở lại. Như trong chiếc đèn kéo quân, Hương chọn các chủ đề trong tranh dân gian Đông Hồ như Vinh quy bái tổ, Đám cưới chuột, những tích tuồng chèo hay những hoạ tiết trên mặt trống đồng… Có những chiếc chao đèn bằng giấy cô làm, nổi bật hình hoa và lá sen được trang trí bằng kỹ thuật chạm giấy. Một chiếc chao đèn khác trong bộ sưu tập được gắn hoa khô, vẽ lá màu chàm và nền vàng nhạt của chất liệu làm từ cây dành dành. Hay như bộ lịch “Lục miêu diễu dó” của năm Mão, các chú mèo được khắc họa rất sinh động, đáng yêu đùa chơi bên những bông hoa dó, lá dướng hay búi xơ chuối.
“Tôi không cho rằng đó là việc gì quá quan trọng hay thông điệp gì to lớn đâu. Chỉ là những mảnh nhỏ của truyền thống được đưa đến trong một món đồ, rồi những thứ nhỏ nhặt ấy ít nhiều đọng lại, để có lúc, người ta ngẫm ngợi và nhận ra rằng, à, hình như cái đó mình đã nhìn thấy ở đâu đó rồi”, Hương bộc bạch.
Bán câu chuyện, “khuyến mãi” sản phẩm
Khác với phần đông mọi người, mỗi sản phẩm làm ra, Hương đều có “công thức” chung là lên ý tưởng, định hình mọi thứ trong đầu từ hình dáng, kích thước đến việc phối hợp các chất liệu rồi bắt tay vào làm. Cô hoàn toàn không phác thảo trước bằng bản vẽ, vì thế, công đoạn nghiền ngẫm ý tưởng là quan trọng nhất. Hương nói rằng, có nhiều lúc cô ngồi không thẫn thờ hàng nửa buổi, mọi người nhìn vào tưởng cô không làm gì nhưng thực ra lúc đó cô để đầu óc reset lại và hình thành những ý tưởng mới. “Đó mới là lúc tôi bị tiêu tốn năng lượng nhất, ngồi không nhưng rất căng thẳng, rất mệt” – Hương chia sẻ.
Chính vì có sự “đầu tư” rất lớn như vậy, những sản phẩm mà cô gái trẻ làm ra đều rất chỉn chu, đạt độ tinh xảo và thường là độc bản, xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật. Hương kể rằng, có khách hàng khi cầm trên tay quyển sổ giấy dó đã thốt lên rằng, nó đẹp quá, họ không nỡ ghi chép lên đó. Hương lại phải “trấn an” khách rằng, họ xứng đáng được sử dụng sổ, có thể ghi nhật ký và sau khi sử dụng xong sẽ giữ nó như một món đồ kỷ niệm.
Gần đây, Hương không chỉ làm các món đồ thủ công mà còn thử nghiệm “làm mới” các loại giấy dó, giấy dướng. Tự nhận mình là người khó tính, quan tâm đến chi tiết, Hương đến tận nơi sản xuất giấy, cùng làm với người thợ để có những tờ giấy đáp ứng yêu cầu riêng của mình. Cô gái trẻ đã thử nghiệm bỏ thêm vỏ dó, vỏ trấu hay xơ chuối vào giấy để tạo nên những tờ giấy rất đặc biệt, những biến tấu lạ mắt, mà cô gọi là giấy “dó vân”. Cô cũng táo bạo thử nghiệm xử lý màu cho giấy bằng cách đem đất lấy về từ một vùng quê ở Hoà Bình làm chất liệu tạo màu. Những chiếc chao đèn phủ màu bằng “sơn đất” rất khác biệt, khi xuống màu càng trầm, càng cổ, rất cuốn hút.
Hương thẳng thắn cho biết, đối với cô tiền bạc rất quan trọng vì cô đã trải qua thời gian khởi nghiệp phải hoàn toàn tự thân. Dẫu vậy, khi sáng tạo tác phẩm, cô dường như quên hết tất cả những vướng bận. Lúc đó, cô làm việc như một sự hành xác, có khi cả ngày không ăn gì, tất cả chỉ để thoả mãn đam mê của bản thân. Chỉ khi hoàn thành, nhìn sản phẩm làm ra thấy ưng ý, thấy “đã”, cô mới cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn.
Chia sẻ thêm, tự nhận sản phẩm mình bán ra “không rẻ” nhưng cô gái trẻ vẫn tự tin rằng có rất nhiều người chờ đợi bởi cứ vài bữa lại có người nhắn tin hỏi cô “bao giờ có sản phẩm mới?”. Cô gái trẻ đầy cá tính cũng từ chối tất cả những gợi ý mở rộng quy mô sản xuất. Cô muốn tự mình kiểm soát tất cả các khâu, từ việc lên ý tưởng, tự tay làm ra sản phẩm và tự tay đưa sản phẩm đến với khách hàng.
“Có không ít lời mời tôi đưa sản phẩm lên bán ở khu phố cổ hoàn toàn miễn phí. Tôi biết lên đó sẽ có nhiều khách hàng, nhiều người ngoại quốc rất hợp với gu sản phẩm của tôi. Nhưng ở đó chỉ có một vài bạn bán hàng, họ đơn thuần làm công việc đưa sản phẩm cho khách hàng và thu tiền. Còn đối với tôi, bán sản phẩm là phụ, bán câu chuyện mới là chính. Mỗi sản phẩm tôi làm ra đều có một câu chuyện phía sau, điều mà chỉ có tôi hiểu và kể lại. Tôi không chỉ bán sản phẩm mà bán những câu chuyện kèm theo nó” – Hương chốt lại.
Thế Vũ