Chênh lệch lớn giữa tiền lương của giáo viên mầm non và phổ thông
Trước băn khoăn về việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên mầm non chưa tương xứng với giáo viên phổ thông và đề nghị có chính sách phù hợp, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD-ĐT), lý giải: hiện tại, Chính phủ quy định một bảng lương chung cho tất cả viên chức các ngành, lĩnh vực.
Theo đó, hệ số lương của viên chức loại A0 được áp dụng đối với các viên chức có yêu cầu trình độ cao đẳng; hệ số lương của viên chức loại A1 được áp dụng đối với các viên chức có yêu cầu trình độ đại học.
Căn cứ vào yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định tại luật Giáo dục 2019: giáo viên mầm non hạng III (là hạng khởi điểm, với yêu cầu trình độ cao đẳng) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 – 4,89).
Giáo viên phổ thông hạng III (là hạng khởi điểm, với yêu cầu trình độ đại học) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 – 4,98).
Về cơ bản, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng III và giáo viên phổ thông hạng III không có khác biệt nhiều. Tuy nhiên, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng II và giáo viên phổ thông hạng II có sự chênh lệch tương đối.
Giáo viên mầm non hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 – 4,98); giáo viên phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2.2 (từ hệ số lương 4,0 – 6,38).
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: “Để giáo viên phổ thông có thể được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông hạng II thì phải có đủ từ 9 năm giữ hạng III và tương đương; còn giáo viên mầm non chỉ cần có đủ từ 3 năm giữ hạng III và tương đương (mặc dù Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định phải đủ từ 9 năm). Đây chính là chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với giáo viên mầm non với những đặc thù nghề nghiệp mà giáo viên đã nêu tại nội dung góp ý“.
Sẽ đề xuất chính sách tiền lương mới
Lương, phụ cấp của nhà giáo thấp, dẫn đến tình trạng giáo viên không yên tâm công tác… cũng là vấn đề mà nhiều nhà giáo tâm tư, gửi ý kiến đến Bộ GD-ĐT.
Xung quanh ý kiến này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác.
Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như được hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố, được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như: phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm; phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
“Trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên… Tuy nhiên, so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế – xã hội hiện nay thì thu nhập của giáo viên vẫn đang ở mức thấp”, Bộ GD-ĐT nhìn nhận.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, bộ đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10; giáo viên tiểu học và THCS xếp ở hệ số lương khởi điểm là 2,34. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo đã giúp cho giáo viên mới ra trường cải thiện một phần thu nhập.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/CP; phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.
Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương…