Bộ GD-ĐT vừa công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó có môn ngữ văn. Cấu trúc đề minh họa gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Riêng phần viết, có câu nghị luận văn học (2 điểm) và nghị luận xã hội (4 điểm).
Học sinh được tự do sáng tạo, bày tỏ quan điểm
Phần đọc hiểu gồm 5 câu hỏi nhỏ được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Nội dung câu hỏi bám theo đặc trưng thể loại, có cả kiến thức tiếng Việt và phần liên hệ thực tế.
Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại từ văn bản Thần Mưa được cho sẵn. Để làm được câu hỏi này, học sinh cần nắm được kiến thức về tri thức ngữ văn, đó là nhân vật trong thần thoại.
Câu nghị luận xã hội đặt vấn đề: Cuộc sống thường có những khó khăn, thử thách; đối mặt hay bỏ cuộc là lựa chọn của mỗi người. Đề yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ.
Cái hay của câu nghị luận xã hội thể hiện ở cách đặt vấn đề và yêu cầu học sinh bàn về một vấn đề gần gũi, thiết thực đối với tuổi trẻ – những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Học sinh được tự do sáng tạo, bày tỏ quan điểm của bản thân miễn sao hợp lý.
Triệt tiêu văn mẫu
Nhìn chung, cấu trúc đề thi tham khảo cho thấy, nội dung câu hỏi có độ bao phủ rộng chương trình, đáp ứng cả hai yêu cầu của kỳ thi: lấy điểm thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Cấu trúc đề minh họa triệt tiêu văn mẫu so với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay (câu nghị luận văn học).
Không ít giáo viên ngữ văn cho rằng, câu nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học là hợp lý vì không thể bắt học sinh viết bài nghị luận văn học về một tác phẩm mới chỉ được đọc trong vài phút. Đề thi dùng 2 ngữ liệu (Chiến thắng Mtao Grự và Thần Mưa) là không cần thiết, chưa gọn.
Thay vào đó, có giáo viên đề xuất, nên tích hợp phần viết ở phần đọc hiểu thì học sinh sẽ có thêm thời gian đọc ngữ liệu và đỡ rối. Cụ thể, câu nghị luận văn học sẽ hỏi như sau: Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi từ văn bản Chiến thắng Mtao Grự. Còn câu nghị luận xã hội có thể yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến về người anh hùng trong thời đại ngày nay.
Nhiều giáo viên mong muốn, phần viết thí sinh được chọn một trong 2 câu nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội phù hợp với mọi đối tượng học sinh và có tính phân hóa cao. Riêng câu nghị luận văn học, chỉ học sinh khá, giỏi và có niềm yêu thích văn chương thì mới có khả năng làm bài tốt.
Ngoài ra, một số giáo viên vẫn còn băn khoăn về đáp án đề thi tham khảo. Theo đó, phần đọc hiểu, câu 2 yêu cầu thí sinh liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả không gian làng là quá dễ, gần như cho không điểm (0,5 điểm).
Cùng với đó, việc yêu cầu thí sinh chỉ ra sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh (so sánh kép và so sánh đơn) qua hai câu văn cho sẵn chẳng khác nào đánh đố. Kiến thức về tu từ vốn dĩ rất khó và còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn nên câu hỏi không nhất thiết phải đi sâu vào học thuật. Chỉ cần yêu cầu thí sinh nêu tác dụng, hiệu quả của phép tu từ là hợp lý.
Chấm dứt tình trạng trước ngày thi đoán đề
Giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nhận xét đề kiểu mới sẽ hạn chế tối đa việc học tủ, học theo văn mẫu.
Cụ thể, phần đọc hiểu có 5 câu hỏi theo 3 mức độ: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng. Phần viết (tạo lập văn bản) cũng chia thành 2 phần: nghị luận văn học và nghị luận xã hội nhưng có sự đảo ngược so với đề kiểu cũ là viết đoạn nghị luận văn học và viết bài nghị luận xã hội.
Ở phần viết, nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số (chỉ còn 2 điểm) vì đã có phần kiểm tra kiến thức văn học ở đọc hiểu và yêu cầu phần này cũng bám vào đặc trưng thể loại trong một tác phẩm cụ thể. Phần nghị luận xã hội chỉ cần học sinh có nhận thức về các vấn đề xã hội và kỹ năng viết thì dễ dàng giải quyết được yêu cầu của đề.
Thầy Đức Anh cho rằng, đề minh họa môn ngữ văn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo chương trình GDPT 2018.
“Điều dễ nhận thấy nhất là các yêu cầu của đề bám sát yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại của chương trình mới. Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, kiểm tra được toàn bộ kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết. Từ nay, sẽ chấm dứt tình trạng đoán đề”, giáo viên này nói.
Bích Thanh