Sáng 29.6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.8 triệu đồng/tháng lên 2.34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1.7.2024. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại tỉnh địa đầu Hà Giang, cô Bùi Thị Huyền (giáo viên Trường Tiểu học Yên Minh) cho biết, bản thân cũng như các đồng nghiệp đều rất vui khi được tăng lương. Đây sẽ là nguồn động lực to lớn để các giáo viên thêm nhiệt huyết. Lương tăng giúp có thêm 1 khoản chi phí để trang trải cuộc sống.
Theo cô Huyền, lương tăng thì tất cả mọi người đều phấn khởi. Đặc biệt là các giáo viên vốn khó khăn, công tác tại các địa phương miền núi. Tuy nhiên, mong muốn song hành cùng việc lương tăng là giá cả thị trường được ổn định. Nếu giá cả cũng tăng cao thì việc lương tăng cũng mất đi một phần ý nghĩa. Mọi người đều có tâm lý lo giá cả sẽ biến động trong thời gian sắp tới.
Cũng theo cô Huyền, từ đầu năm nay khi bắt đầu có thông tin về tăng lương, một số mặt hàng đã “tát nước theo mưa” rục rịch tăng giá. Điều này sẽ làm cuộc sống của các giáo viên thêm phần vất vả. Có thêm 1 khoản thu nhưng lại phải lo chi tiêu chắt bóp. Bản thân cũng lo lắng giá cả thị trường sẽ tăng cao khi lương cơ sở tăng.
“Một số mặt hàng ở quê tôi cũng bắt đầu rục rịch tăng giá từ đầu năm. Giá thịt gà trước là 140 nghìn đồng/kg giờ tăng lên 160 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng khác cũng tăng nhích một chút lên 5.000 đến 10.000 đồng.
Nếu lương tăng mà giá cả cũng tăng thì không ổn. Mọi người đều mong muốn giá cả được bình ổn. Từ đó, việc lương tăng sẽ rất có ý nghĩa. Cuộc sống của các giáo viên vùng cao được nâng lên”, cô Huyền cho hay.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thu Hướng (giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) phấn khởi khi nhận tin lương cơ sở tăng 30% từ 1.7.
“Tôi từ quê Phú Thọ lên công tác trên này cũng hơn 20 năm nay. Hiện con cái vẫn gửi ở quê. Trước đây mức thu nhập cũng không cao nên phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng. Lương tăng là động lực để tôi cũng như các giáo viên vùng cao thêm nhiệt huyết với nghề.
Tuy nhiên, lương tăng cũng mong giá cả, các mặt hàng nhu yếu phẩm giữ giá. Nếu giá cả thị trường tăng theo cũng rất lo lắng”, cô Hướng cho biết.
Cũng theo cô Hướng, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất là với mặt hàng thiết yếu. Ngoài những đối tượng trong diện được tăng lương, những người làm nghề tự do sẽ gặp khó khăn khi phải bù vào chi phí hàng hóa tăng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm viễn thông, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng 8,7%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-mien-nui-mong-tang-luong-di-kem-binh-on-gia-1359354.ldo