Sáng nay (28/6), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa hoàn thành bài thi tổ hợp. Đánh giá về các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp KHXH, Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử tại Hà Nội cho rằng, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2024 gồm 40 câu trắc nghiệm. Nội dung đề thi tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, có 26 câu thuộc (chiếm 65%) nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, sau 1975 có 1 câu.
Đề thi có 4 câu thuộc chương trình lịch sử lớp 11 bao gồm 1 câu thuộc nội dung Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (1921 – 1941). 2 câu thuộc nội dung lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất. 1 câu về Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đề thi bắt đầu phân hóa từ câu 30, phân hóa cao từ câu 33 đến câu 40. Đề thi có 2 câu liên quan đến cả kiến thức 11 và lớp 12.
“Đề thi chính thức kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 có tỉ lệ phân bố kiến thức các lớp ở các lớp 12/11, phân bố kiến thức theo tỷ lệ: 36/04, so với đề minh họa năm 2024 của Bộ GD-ĐT, đề thi chính thức có sự thay đổi ở cách hỏi chứ không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có độ chính xác, phù hợp và phân hóa tốt học sinh từ những câu 30 trở đi. Một đặc điểm nổi bật của đề thi năm 2024 môn Lịch sử là có những câu hỏi lấy tư liệu ngoài sách giáo khoa, tuy nhiên những kiến thức đó vẫn trong phạm vi kiến thức đã học nên hoàn toàn phù hợp. Các em học sinh nếu nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa sẽ làm tốt những câu như vậy.
Với đề thi năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35, để đạt điểm 9,10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định”, thầy Hiển cho biết.
Với môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên Trường THPT chuyên KHXH&NV nhận định, so với đề thi minh họa 2024, đề thi chính thức bám rất sát ma trận của đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT đã công bố, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lí lớp 12, phù hợp với nội dung được điều chỉnh thực hiện trong năm học 2023 – 2024.
Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ tăng dần về độ khó, có sự đan xen giữa lí thuyết và thực hành nên thí sinh dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lí, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kĩ năng tra cứu, tính toán của môn học. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, nắm bắt được các thông tin thời sự cập nhật, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.
“Nhìn chung, đề thi môn Địa lí năm 2024 rất hay và phù hợp với chương trình môn học trên lớp. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp không quá khó để học sinh đạt trên trên 7 điểm. Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt các câu cuối, đây là các câu hỏi đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên. Thí sinh có sự ôn tập, chuẩn bị kĩ lưỡng và làm nhiều đề theo cấu trúc đề thi minh họa chắc chắn sẽ đạt kết quả cao”, thầy Nam cho biết.
Với môn GDCD, cô Đoàn Thị Vành Khuyên cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT có phân hoá kiến thức rõ ràng, câu hỏi khó bắt đầu từ các câu vận dụng cao, đề sát với các đề thi minh hoạ và đề thi khảo sát của Bộ. So với đề thi mọi năm thì năm nay đề có dạng câu hỏi mới theo cách hỏi nhận định đúng sai (đây là những câu học sinh hay làm sai nhất).
Về nội dung, đề thi chủ yếu tập trung vào chương trình GDCD 12. Đề thi cũng bao gồm một số câu hỏi liên quan tới kiến thức lớp 11. Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 có 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%); 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 10%).
Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12 như thực hiện pháp luật, quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống (Hôn nhân gia đình, Lao động, Kinh doanh), công dân với các quyền tự do cơ bản (Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng sức khoẻ..), công dân với các quyền dân chủ (Quyền khiếu nại, tố cáo; quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội..).
Các câu ở mức vận dụng thấp và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề quyền bình đẳng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, các loại vi phạm pháp luật, quyền cơ bản của công dân.
“Các câu hỏi nằm trong tầm kiến thức cơ bản, không đánh đố. Câu hỏi vận dụng cao tương đối phức tạp, nhiều tình tiết, đòi hỏi học sinh phải hiểu chắc lý thuyết để phân tích đúng tính chất vi phạm của các nhân vật. Yêu cầu sự tư duy tốt, nhanh nhạy trong việc xử lí các tình huống”, cô Khuyên cho biết.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/thi-tot-nghiep-thpt-2024-hoc-sinh-de-dat-tren-7-diem-mon-lich-su-dia-ly-post1104482.vov