Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, rất nhiều giáo viên không bao giờ mơ được dạy thêm, những nhân viên nhà trường cũng không được dạy thêm... và họ cũng sống với đồng lương ít ỏi.
Thông tư 29 "siết" dạy thêm, học thêm: Đề nghị đừng kêu
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2 vừa qua và vẫn đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Trong khi dư luận đồng tình với việc quản lý dạy thêm, học thêm thì vẫn còn một số giáo viên "kêu than" nghề vất vả, lương ít.
Cụ thể mới đây một giáo viên chia sẻ: "Giáo viên vất vả phải làm nhiều việc, hay được đi nhiệm vụ của ngành (chuyên đề, bồi dưỡng, tập huấn...); Lên các tiết chuyên đề, dạy các tiết chuyên đề, dự các tiết chuyên đề, ra đề thi, trông thi, chấm thi, dọc phách, làm thi,... Hầu như tuần nào cũng có sự kiện (khai giảng, trung thu, 20/11, Noel, sơ kết, 8/3, 22/12, 26/3, bế giảng, phụ trách sao giỏi,...
Giáo viên có mặt ở trường từ 6h30 sáng để chuẩn bị. Một số ngày học sinh diễn ở phường, ở quận giáo viên đi quản học sinh từ 18-21h thậm chí thứ 7, chủ nhật. Giáo viên tiểu học dạy liên tục 2 tiết nghỉ 15 phút nhưng nhiều lúc không kịp bài giáo viên dạy xuyên ra chơi. THCS dạy 1 tiết nghỉ 5 phút để di chuyển từ lớp sang lớp khác, 2 tiết nghỉ 10 phút. Chúng tôi vất vả làm thêm cả buổi trưa mới được vài đồng, còn các ngành khác ngồi không được hưởng. Vậy hỏi công bằng đâu cho giáo viên?".
Nhiều giáo viên phản hồi trước Thông tư 29. Ảnh minh họa: Tào Nga
Trước ý kiến này, trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Giáo dục độc lập Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: "Giáo viên nào nói làm nhiều, còn nghề khác ngồi không được hưởng là rất quá đáng, khiến mọi người chán nản, bực bội. Trong khi giáo viên được nghỉ ngơi buổi tối thì các chiến sĩ bộ đội, công an phải đi tuần tra, đi trực khắp nơi để đảm bảo an toàn cho người dân. Các bác sĩ trực cả đêm để chăm sóc bệnh nhân. Những bạn làm kế toán bạc đầu ngồi tính toán, đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 3. Kể cả nhân viên văn phòng nếu có việc cũng phải tăng ca ngày đêm. Đó là chưa kể nghề giáo luôn được nghỉ Tết, có rất nhiều nghề, Tết không được nghỉ.
Giáo viên nói chương trình... khó nhưng chương trình được áp dụng trên cả nước. Ngoài một số thành phố lớn có học thêm, rất nhiều nơi không học thêm gì cả. Chương trình bị các bạn "tuyên truyền" là quá nặng nhưng tỉ lệ lên lớp của cả nước vẫn gần 100%. Nếu nặng như các bạn nói mà sao tỉ lệ đúp không tăng lên?
Giáo viên nói có "1001 các công việc khác ngoài giờ dạy". Đó mới là nghề giáo viên, chứ không đã là thợ dạy rồi. Nghề khác có 1001 các công việc khác và cũng phải chấp nhận tất cả trong khoản lương cứng. Nghề giáo cũng tính lương theo các hệ lương của tất cả các ngành khác. Có phải nghề giáo nhận hệ lương đặc biệt riêng và thấp hơn hẳn các nghề khác đâu?
Nếu giáo viên nói dạy xuyên giờ nghỉ giải lao, không được nghỉ ngơi. Điều đó khẳng định giáo viên đang bị "cháy" giáo án, khả năng dạy và quản lý thời gian không tốt, phải rút kinh nghiệm chứ không phải nêu ra để đòi tiền trợ cấp.
Chương trình thay đổi, giáo viên phải có trách nhiệm tìm cách dạy làm sao cho phù hợp với chương trình mới chứ không phải đòi chương trình chạy theo khả năng dạy của giáo viên. Các nghề nghiệp khác cũng phải thường xuyên học hỏi để nâng cao tay nghề, cũng phải tìm cách cập nhật liên tục để theo kịp sự phát triển nghề đó. Việc đó là đương nhiên.
Trong giáo viên, không phải tất cả đều đi dạy thêm. Rất nhiều giáo viên dạy môn khác không bao giờ mơ được dạy thêm. Rồi những nhân viên nhà trường cũng không được dạy thêm. Họ cũng sống với đồng lương ít ỏi đó.
Bộ GDĐT không cấm tuyệt đối dạy thêm mà ra luật hạn chế. Chúng ta đừng kêu ca nữa và hãy làm việc theo quy định".
Thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT về dạy thêm, học thêm
Ngày 18/2, Bộ GDĐT cũng thông tin về quản lý dạy thêm, học thêm và một số nội dung giáo dục phổ thông,
Bộ GDĐT cho biết, sau Công văn số 545/BGDĐT-GDTrH, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình từ các địa phương để có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo, qua đó, giúp các Sở GDĐT có căn cứ tham mưu và chỉ đạo thực hiện tại địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan nhằm thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định. Triển khai thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025.
Các Sở GDĐT kịp thời nắm bắt tình hình từ các nhà trường, giáo viên để hướng dẫn hoặc phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện có hướng dẫn phù hợp với đặc thù địa phương.
Các nhà trường và giáo viên có trách nhiệm là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, nơi đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em.
Phụ huynh học sinh và xã hội cần đồng hành với nhà trường để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục (nhà trường, gia đình và xã hội); tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29.
"Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GDĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, cũng sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo", Bộ GDĐT khẳng định.
Nguồn: https://danviet.vn/tien-si-giao-duc-giao-vien-chuyen-day-them-de-nghi-dung-keu-nua-20250219071143699.htm
Bình luận (0)