Ngày 12/5 (giờ địa phương), các phe phái đối địch tại Sudan đã cam kết bảo vệ dân thường và các hoạt động viện trợ nhân đạo, nhưng chưa thống nhất về một lệnh ngừng bắn cũng như vẫn thể hiện lập trường khác biệt.
Người dân tị nạn nhận lương thực cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan ngày 6/2/2023.
Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/5 cho biết sau nhiều tuần thảo luận tại cảng Jeddah của Saudi Arabia, quân đội Sudan và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã ký một tuyên bố nhấn mạnh rằng sẽ hướng tới một lệnh ngừng bắn trong ngắn hạn tại các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, quan chức này nêu rõ lập trường của hai bên vẫn cách biệt, đồng thời nhấn mạnh rằng các đại diện đàm phán của hai bên làm việc với các đại diện hòa giải Mỹ và Saudi Arabia đặt ra mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong tối đa 10 ngày tới.
Theo quan chức trên, tuyên bố mới được ký kết nhằm cải thiện dòng chảy cứu trợ nhân đạo và bắt đầu khôi phục các dịch vụ điện và nước. Các đại diện hòa giải hy vọng tuyên bố này sẽ có thể tạo điều kiện cho việc rút các lực lượng an ninh khỏi các bệnh viện và phòng khám và thực hiện việc an táng người chết.
Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Cairo cho biết Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và người đồng cấp Cộng hòa Chad Idriss Déby sẽ sớm tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Ai Cập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan với tư cách là các quốc gia láng giềng chịu tác động bởi cuộc xung đột.
Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Al-Qahera News, Cố vấn an ninh của Tổng thống Nam Sudan Tut Gatluak cho biết hội nghị thượng đỉnh này phấn đấu đạt được những kết quả cụ thể nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề Sudan, tuy nhiên, ông không tiết lộ thời điểm diễn ra hội nghị này.
Ai Cập, Nam Sudan và CH Chad đang tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn Sudan trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF bùng phát kể từ giữa tháng 4 vừa qua.
Về công tác sơ tán công dân khỏi Sudan, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia ngày 12/5 đưa tin nước này đã kết thúc các hoạt động sơ tán nhân đạo đối với công dân của mình và công dân các quốc gia khác khỏi Sudan.
Chiến dịch sơ tán của Saudi Arabia, do Lực Hải quân và Không quân Hoàng gia thực hiện, đã giải cứu 8.455 người từ các vùng chiến sự ở Sudan, trong đó có 404 công dân Saudi Arabia và 8.051 người thuộc 110 quốc tịch khác nhau. Saudi Arabia cũng đã hỗ trợ sơ tán11.184 công dân các nước khác đến Saudi Arabia trước khi những người này được đưa về nước. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng cảm ơn Sudan vì đã hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sơ tán.
Ngày 11/5, Saudi Arabia đã điều 2 máy bay vận chuyển tổng cộng 20 tấn hàng viện trợ tới Sudan, bao gồm thực phẩm và vật tư y tế. Đến nay, Saudi Arabia đã điều 5 máy bay vận chuyển hàng cứu trợ tới cho người dân Sudan.
Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo cơ quan này đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân đạo đối với trẻ em chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Sudan. Ước tính, có khoảng 82.000 trẻ em tại Sudan đã sơ tán sang các nước láng giềng, trong khi có thêm 368.000 trẻ em khác tại Sudan đang phải chạy nạn trong chính đất nước mình.