Một bộ lạc cùng các đồng minh và lính đánh thuê của họ đang trên đường tấn công một bộ lạc lân cận thì bị phục kích vào Chủ nhật tại tỉnh Enga ở vùng cao nguyên xa xôi của Papua New Guinea, theo ông George Kakas – giám đốc cảnh sát tỉnh Enga tại quốc gia Nam Thái Bình Dương này cho biết.
Ông Kakas ban đầu nói rằng có 53 người đã chết. Nhưng lực lượng an ninh Papua New Guinea sau đó đã điều chỉnh số nạn nhân thiệt mạng xuống còn 26 người. Hiện chưa rõ liệu có ai trong số những kẻ phục kích nằm trong số người chết hay không.
Các thi thể được thu thập từ chiến trường, trên đường giao thông và bờ sông, sau đó chất lên xe cảnh sát và đưa đến bệnh viện. Ông Kakas nói với đài ABC rằng nhà chức trách vẫn đang đếm “những người bị bắn, bị thương và chạy trốn”.
“Một số xác chết vẫn còn trong bụi rậm và vẫn chưa được các bộ lạc lân cận vớt lên”, người đứng đầu cảnh sát tỉnh Enga nói. “Tình hình vẫn còn căng thẳng nhưng đường cao tốc đã thông thoáng cho người dân đi lại”.
Vụ thảm sát này đánh dấu sự leo thang bạo lực trong khu vực. Giao tranh giữa các bộ lạc không phải là điều bất thường ở nhiều vùng của Papua New Guinea song những diễn biến ở tỉnh Enga đã thu hút sự chú ý trong những tháng gần đây vì sự tàn bạo của các bên liên quan.
Năm ngoái, tỉnh này được cho là đã bị phong tỏa sau khi bùng phát bạo lực khiến 150 người thiệt mạng, mặc dù các ước tính rất khác nhau. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi xuất hiện những đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông bị trói và kéo lê sau một chiếc xe tải trong khi những người xem đang cổ vũ.
Papua New Ginea là nơi sinh sống của hàng trăm bộ lạc, và phần nhiều trong số đó vẫn sống ở những vùng đất xa xôi, khắc nghiệt. Ngay sau khi có tin tức về vụ thảm sát tại quốc gia Thái Bình Dương này, nước láng giềng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất với họ là Úc đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 19/2, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết: “Thật đáng lo ngại với tin tức đến từ Papua New Guinea. Chúng tôi đang cung cấp hỗ trợ đáng kể, đặc biệt là đào tạo sĩ quan cảnh sát và an ninh ở Papua New Guinea”.
Nguyễn Khánh (theo Guardian, AP, ABC)