Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng hữu nghị, có mối quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Giao thương qua các cửa khẩu biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả hai quốc gia.
Trong những năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng tăng trưởng, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ của lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu. Hệ thống cửa khẩu ngày càng được hoàn thiện, cùng với chính sách ưu đãi của hai chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương hai chiều.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào đã đạt mức ấn tượng là 1,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm trước. Đến hết tháng 11 năm 2023, con số này tiếp tục đạt 1,5 tỷ USD, với xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào là 485 triệu USD và nhập khẩu từ Lào lên tới 977 triệu USD.
Các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, xây dựng, nông sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam đang có tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ sang Lào. Bên cạnh đó, các dịch vụ như du lịch, giáo dục và tư vấn cũng đang được mở rộng. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào các mặt hàng như cao su, gỗ, phân bón, ngô, rau quả và kim loại. Đặc biệt, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam dự kiến tăng cường nhập khẩu than từ Lào.
Không dừng lại ở thành quả chung đã đạt được, thời gian qua, để thúc đẩy thương mại song phương, Bộ Công Thương về phần mình đã hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phát triển thương mại gồm: 2 khuôn khổ pháp lý song phương về thương mại quan trọng là Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào; Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào ký năm 2015, có hiệu lực đến hết năm 2018, gia hạn đến hết năm 2024. Hiện, 2 bên tiếp tục đàm phán để sửa đổi, bổ sung Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào.
Điểm sáng từ các cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu
Hệ thống cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam-Lào dài hơn 2.000km, bao gồm 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại và dịch vụ. Trong đó có thể kể đến một số cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu nổi bật như Lao Bảo, Cầu Treo và Bờ Y.
Cửa khẩu Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là cửa khẩu biên giới tiêu biểu, kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt – Lào, nối liền với các nước trong khu vực: Lào, Thái Lan, Mianma và Khu vực Miền Trung Việt Nam. Tại đây có Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy chế, biện pháp và chính sách. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế Den Savanh (Lào) là một nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) – Ảnh: TTXVN |
Trải qua 25 năm, Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo Bảo thu hút trên 880 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng với 50 công trình; đồng thời thu hút gần 3.700 tỷ đồng của doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh với gần 60 dự án.
Những năm qua, chính sách ưu đãi đã giúp Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo có những đổi thay mạnh mẽ về hạ tầng, dịch vụ. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào khu kinh tế thương mại đặc biệt này ngày càng tăng; qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương trên tuyến EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo lan tỏa trong kết nối vùng và quốc tế.
Ngoài ra Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan đã góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực biên giới hai nước Việt Nam – Lào nói chung, sự phát triển ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet nói riêng.
Cửa khẩu kế tiếp phải nhắc đến là Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tại Hà Tĩnh. Cửa khẩu này cũng nằm trong danh sách 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm giữa hai nước. Cầu Treo hiện đã trở thành điểm chính thu hút giao thương với nước bạn Lào, đặc biệt là thông qua cửa khẩu Nam Phao.
Cửa khẩu ra đời khi kết thúc chiến tranh chống Pháp, 1954 và chính thức được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế vào năm 1997. Cửa khẩu này giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Một cửa khẩu khác cũng có sự giao lưu thương mại sôi động giữa hai nước là cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum). Đây là nút giao thông cuối cùng trên tuyến quốc lộ 40 của Việt Nam tiếp giáp với quốc lộ 11 của Lào. Cửa khẩu Bờ Y là cầu nối giao thương buôn bán đặc biệt quan trọng giữa tỉnh Attapeu của cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Việt Nam.
Những năm qua, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y tăng trưởng ổn định.
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y – Ảnh: kontum.gov.vn |
Theo thống kê đến cuối năm 2023, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu nộp ngân sách nhà nước 313,4 tỷ đồng, vượt 6,97% so với kế hoạch được giao.
Có thể thấy, thương mại giữa hai quốc gia không ngừng tăng. Giao thương qua các cửa khẩu Việt Nam – Lào đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả hai nước. Với hệ thống cửa khẩu ngày càng được hoàn thiện và tiềm năng hợp tác to lớn, giao thương Việt Nam – Lào hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.