Trần Diệu Linh (SN 2000, quê ở Nghệ An) đang là sinh viên Đại học Hải Phòng, năm nay không về quê ăn Tết. Linh ở lại để làm thêm đêm giao thừa và các ngày mùng 1, mùng 2 Tết. Số tiền thù lao cô nhận được trong dịp này từ 500 đến 700 nghìn đồng/ngày. Công việc là chạy bàn ở quán lẩu, nướng trên đường Lê Lợi.
Sau mùng 3 Tết, quán nghỉ, Linh và nhiều bạn trẻ khác mới về quê. Họ chọn gặp gia đình muộn, để kiếm thêm thu nhập đỡ cha mẹ khoản học phí kỳ 2.
Theo lời của Linh, từ 16h chiều 30 Tết, quán nơi Linh làm thêm đã có rất đông bạn trẻ tới đặt bàn. Họ đi cùng nhóm từ 5 đến 10 người, hẹn tới ăn tối để đi chơi giao thừa.
“Cũng có nhiều người trẻ đến đặt bàn ở quán em nhưng chỉ đi cùng bạn gái, còn nhờ quán bố trí vị trí thoáng, yên tĩnh và mang cả hoa tươi. Có lẽ họ định chọn thời khắc thiêng liêng của năm mới để tỏ tình hay tính chuyện trăm năm”, Linh kể.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trên các tuyến phố như Lê Lợi, Lạch Tray, Tô Hiệu, Đà Nẵng… thuộc trung tâm Hải Phòng, hoạt động dịch vụ thời khắc giao thừa không có gì khác ngày thường.
Quán xá mở nhộn nhịp, còn thêm phần ánh sáng lấp lánh, cây quất, cành đào. Các cơ sở ăn uống hay cà phê mở những bản nhạc xuân sôi động, tạo nên một không gian vui xuân đầm ấm cho giới trẻ.
Lực lượng công an Hải Phòng được bố trí làm nhiệm vụ trên các tuyến đường chính, phía trước các quán ăn đông người.
Nguyễn Hồng Minh (SN 2022, trú tại ngõ 2 Bùi Thị Từ Nhiên, Đông Hải 1, quận Hải An) chia sẻ: “Mọi năm bọn mình toàn kéo nhau lên nhà hát lớn thành phố để xem ca nhạc và chờ bắn pháo hoa. Vì hầu hết các cửa hàng ăn uống, các điểm vui chơi đều đóng cửa.
Năm nay, nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê và các quán bar thông báo mở cửa xuyên Tết. Mình đã hẹn nhóm bạn thân đi ăn cơm để kể cho nhau những chuyện trong năm cũ, bàn tính kế hoạch năm mới. Thay vì đến nhà ai đó, bọn mình ra quán cho tiện và tự do”.