Hà Nội, TP.HCM đang gồng mình chịu ô nhiễm, trong đó có lượng khí thải khổng lồ từ xe cộ dùng xăng dầu thải ra hằng ngày.
Việc đưa ra các chính sách và giải pháp về giao thông xanh được lãnh đạo các địa phương nhận định là rất cấp thiết. Trong đó, một số đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội… đều đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh, trong đó ưu tiên chuyển đổi xe buýt sang dùng năng lượng xanh trước rồi mới đến xe cá nhân.
Còn đâu đường phố trong lành!
Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, thời tiết tại TP.HCM thường xuất hiện mù khá dày gây cản trở tầm nhìn. Lớp mù này bao gồm cả độ ẩm và bụi. Đặc biệt vào những ngày hôm trước có mưa, hôm sau ít nắng thì hiện tượng này càng rõ ràng hơn.
Theo các chuyên gia, lớp mù trên có nhiều yếu tố tạo thành, trong đó có phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân… Thực tế ngoài đường hàng triệu xe cộ lưu thông mỗi ngày, không khó bắt gặp một số phương tiện khi tăng tốc “nhả” ra môi trường lớp khói đen.
Báo cáo quan trắc của Sở TN&MT TP.HCM cho thấy hầu hết các tháng, chỉ số TSP (bụi lơ lửng), bụi mịn PM10 và PM2.5 đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Sở này cũng kết luận nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ ảnh hưởng của hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động dân cư. Trong đó, yếu tố giao thông đứng đầu.
Tình hình tại Hà Nội cũng không khả quan hơn. Số liệu thống kê cho thấy nhiều ngày trong tháng 10-2024, chất lượng không khí ở mức xấu và kém. Tại nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức… mịt mù trong khói bụi, bầu trời Hà Nội mờ đục dù trời có nắng.
Đáng chú ý, những khu vực cạnh các công trường xây dựng và một số tuyến đường đang thi công, tình trạng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo Sở TN&MT Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm (xấp xỉ 110 ngày – PV).
Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Theo sở, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là bởi giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 – 70%), nguồn sản xuất công nghiệp (14 – 23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Trước thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, cả hai địa phương này đang triển khải nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, TP Hà Nội đang triển khai thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Xe công cộng chuyển dần sang sử dụng năng lượng xanh
Ông Lê Thanh Nam, giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, cho biết từ năm 2025 Hà Nội sẽ thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại một số khu vực đông đúc là điểm nóng về ô nhiễm không khí, đồng thời phát triển các tuyến đường dành riêng cho xe buýt điện và các loại xe phát thải thấp.
Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải giao thông trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang sử dụng điện. Dựa vào các báo cáo, tài liệu giao thông gần đây cho thấy xe buýt có mức khí thải khá cao.
Một xe buýt có thể xả khí thải bằng bình quân của khoảng 100 xe máy. Vì vậy, đề án phát triển giao thông xanh tập trung nghiên cứu chuyển đổi xe buýt cũ dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt xanh dùng năng lượng điện hoặc khí CNG để kiểm soát khí thải, giảm ô nhiễm môi trường là cần thiết.
Để thúc đẩy chuyển đổi xe dùng năng lượng xanh, năng lượng điện với hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM, thời gian qua Sở GTVT đã chủ trì và phối hợp với đơn vị liên quan để tổ chức các cuộc hội thảo, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành.
Tại hội thảo vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Trần Quang Lâm, gám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết với nghị quyết 98, TP.HCM có thể ban hành cơ chế chính sách chuyển đổi xe dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh gắn với phát triển giao thông công cộng.
Các đơn vị đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và nhận định được vấn đề về hạ tầng, tính khả thi, chính sách… và cần cơ chế riêng để phát triển giao thông xanh. Việc chuyển đổi giao thông xanh có hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu sẽ hoàn thành cơ chế chuyển đổi xe công cộng sang xe điện hoặc CNG.
Trong giai đoạn 2, các đơn vị chuyển đổi tất cả xe từ công tới tư, xe máy, ô tô sang xe điện. TP.HCM sẽ tính toán chuyển đổi theo vùng, khu vực cụ thể với quy trình rõ ràng. Liên quan vấn đề này, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần những cơ chế chính sách ưu tiên và phải tính toán kỹ lưỡng về hạ tầng, mạng lưới trạm sạc.
“Ai sẽ đầu tư, quy hoạch bố trí ở đâu với hiện trạng giao thông và có nên bố trí trạm sạc ở bến bãi giao thông công cộng sẵn có không?” là câu hỏi được các chuyên gia đặt ra cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Tăng tốc “phủ xanh” xe buýt
Trao đổi về lộ trình “phủ xanh” xe buýt, ông Bùi Hòa An, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết TP.HCM đang tổ chức thí điểm một tuyến xe buýt điện với 13 xe có sức chứa 65 – 70 chỗ ngồi, do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus tổ chức khai thác vận hành (tuyến D4).
Trong chín tháng năm nay, tuyến D4 đạt 681.037 hành khách với 26.670 chuyến. Với xe buýt CNG, ông An cho biết TP.HCM đang có 516 xe hoạt động trên 18 tuyến xe buýt được trợ giá với 3 trạm cung cấp nhiên liệu ở bãi xe buýt Phổ Quang, bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM và bến xe An Sương.
Đối với đề án kiểm soát khí thải giao thông, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng xong chuyên đề giai đoạn 1 về chuyển đổi xe thuộc vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng điện – năng lượng xanh và đang lấy ý kiến góp ý các đơn vị trước khi đưa ra kế hoạch chuyển đổi và các chính sách ưu đãi.
Theo ông An, đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả xe vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn sẽ dùng điện, năng lượng xanh.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Tiến, trưởng phòng kế hoạch vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông, Sở GTVT Hà Nội, cho biết số lượng xe buýt xanh, sạch đang chiếm 17% tổng số xe buýt trên địa bàn với 10 tuyến là xe buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng CNG (khí thiên nhiên – PV), phát thải nồng độ CO2 rất thấp.
Tại đề án phát triển sử dụng năng lượng xanh đối với các phương tiện vận tải công cộng, được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024, từ 2026 – 2031, tỉ lệ xe buýt chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch chiếm 94% thay vì 17% như hiện nay. Đến 2035, 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ chuyển đổi sang xe buýt điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch.
“Như vậy, dự kiến hơn 10 năm nữa, mạng lưới vận tải cộng cộng sẽ sử dụng toàn bộ năng lượng sạch, phát thải khí CO2 ra môi trường rất thấp”, ông Tiến nói và cho biết trong năm 2025 các xe taxi được đầu tư mới bắt buộc phải sử dụng năng lượng điện. Đến 2035, khi 100% xe buýt chạy bằng điện, Hà Nội kỳ vọng sẽ giảm lượng phát thải 170.000 tấn CO2 ra môi trường.
“Việc giảm thải khí CO2 và metan ra môi trường từ xe cộ sẽ hướng tới một thành phố xanh và sạch hơn, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ công cộng cũng được tăng lên khi sử dụng xe điện, người dân sẽ lựa chọn đi xe buýt nhiều hơn, giảm đi phương tiện cá nhân, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện tình trạng ùn tắc tại thủ đô”, ông Tiến bày tỏ.
Rà soát vị trí xây dựng các trạm sạc
Sở GTVT vừa được UBND TP.HCM giao chủ trì phối hợp với các sở ngành và các địa phương về rà soát vị trí xây dựng hệ thống cấp điện, hạ tầng trạm sạc phục vụ xe điện. Các vị trí được chọn phải phù hợp với quy hoạch, có nơi đậu xe và kết nối giao thông phù hợp.
Sở GTVT cũng được giao tổng hợp các vướng mắc để báo cáo, tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý 4-2024. Sở Công Thương chủ trì ban hành hướng dẫn về thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các trạm sạc và kết nối vào hệ thống điện lưới, báo cáo kết quả trước ngày 30-11.
Đồng thời phải đảm bảo cung ứng nguồn điện, nguồn năng lượng xanh đầy đủ cho các hệ thống trạm sạc và trạm nạp, đáp ứng kịp thời khi các hệ thống này được lắp đặt và đưa vào vận hành.
Ưu đãi lãi suất cho đầu tư vận tải xanh
Nhằm thực hiện đề án, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư xe hoạt động thuộc vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh được vay vốn đầu tư tại Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, hạn mức vốn vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án.
Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án, lãi suất vay cố định
3% đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay và thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 năm. Đồng thời hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước tham gia đầu tư xây dựng trạm cung cấp năng lượng (điện, năng lượng xanh).
Đừng để người dân ngại ra đường
TS Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – cho biết Hà Nội thường bước vào mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 đến tháng 3 sang năm. Nguyên nhân là do mật độ xây dựng trong TP, lượng khí thải từ các khu đốt rác và rơm rạ, từ khu công nghiệp… Đặc biệt là khói bụi từ xe cộ gây ô nhiễm không khí.
Theo ông Tùng, việc không khí ô nhiễm tác động rất lớn đến sức khỏe, người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời trong những ngày chất lượng không khí ở mức có hại. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc lâu dài trong bầu không khí ô nhiễm thường có triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực khó chịu… Việc sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế rất cần thiết, bởi không phải loại nào cũng tránh được bụi mịn 2.5PM.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giao-thong-xanh-ai-cung-huong-loi-20241031224137848.htm