HÀ LAN – Hai bác sĩ đã bị thu hồi bằng tiến sĩ do gian lận dữ liệu nghiên cứu. Cả hai đều là giáo sư tại Đại học Mansoura, Ai Cập thời điểm bị tước bằng.
Hồi tháng 2/2023, một trường đại học ở Bỉ đã tước bằng tiến sĩ của bác sĩ Hatem Abu Hashim sau khi phát hiện ông làm giả dữ liệu trong luận án của mình.
Chỉ vài tuần trước đó, một bác sĩ khác, Ahmed Badawy, cũng bị thu hồi bằng tiến sĩ nhận tại trường đại học ở Hà Lan năm 2008. Cả Abu Hashim và Badawy đều là giáo sư tại khoa sản, phụ khoa, Đại học Mansoura, Ai Cập.
Theo điều tra của Vrije Universiteit Brussel (VUB), nơi cấp bằng tiến sĩ cho Abu Hashim năm 2013, nhà nghiên cứu này đã vi phạm nghiêm trọng tính liêm chính khoa học, dựa trên “bằng chứng rõ ràng về việc làm giả kết quả thống kê” và “thiếu chuyên môn về thống kê”.
Ben Mol, nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Australia) – người đã phát hiện và báo cáo các vấn đề trong nghiên cứu của Abu Hashim và Badawy vào năm 2021 và 2020 – nhận định qua email với Retraction Watch rằng: “Điều tích cực là cả hai trường đại học đã đưa ra kết luận chắc chắn sau quá trình điều tra độc lập”.
Ben Mol cũng nêu rõ mối quan ngại của mình trong bài báo công bố năm 2020, khi ông cùng một nhóm nghiên cứu khác chỉ ra nhiều sai phạm trong các công trình của hai nhà khoa học bị thu hồi bằng.
Luận án dựa trên nghiên cứu giả mạo
Luận án tiến sĩ của Abu Hashim dựa trên 11 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đều đã được công bố. Theo báo cáo, các nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Mansoura trước khi Abu Hashim tham gia chương trình tiến sĩ tại VUB với tư cách học viên ngoài trường.
Tuy nhiên, một báo cáo từ Ủy ban Liêm chính Khoa học Flemish cho thấy những điều đáng ngờ. Báo cáo chỉ ra rằng Abu Hashim có thể đã “học cách viết bài báo y khoa bằng cách đọc các bài báo khác, tự tạo ra các giá trị dữ liệu và sau đó chỉnh sửa, sao chép kết quả giữa các bài viết và thay đổi nhỏ (+1 hoặc -1 trong các chữ số)”.
Ủy ban này đồng ý với VUB rằng “việc làm giả hoàn toàn (hoặc gần như hoàn toàn) là lời giải thích hợp lý duy nhất cho các kết quả tìm thấy” và nhấn mạnh Abu Hashim không đưa ra bất kỳ phản biện cụ thể nào trước những cáo buộc, mà chủ yếu buộc tội người tố cáo mình và chất vấn phương pháp của họ.
Cả Abu Hashim lẫn Trường đại học Mansoura đều không phản hồi các bình luận.
Tuy nhiên, trường đại học này đã biết về nghiên cứu gian lận của Abu Hashim suốt một thập kỷ qua. Trong một cuộc điều tra nội bộ năm 2014, khi đó trưởng khoa Nasser El Lakany và 5 giáo sư khác đã phát hiện một trong các thí nghiệm của Abu Hashim chưa bao giờ được thực hiện; 6 thí nghiệm khác có số lượng bệnh nhân nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang quá lớn tới mức khó tin; và 2 thử nghiệm báo cáo có đến 366 ca phẫu thuật khoan buồng trứng trong khi hồ sơ chỉ ghi nhận 94 ca. Hai tập hợp nghiên cứu sau cùng này là một phần trong luận án tiến sĩ của Abu Hashim.
“Không có lý do nào để biện minh cho hành vi sai trái của nhà nghiên cứu”, các giáo sư của trường Mansoura viết, theo bản dịch tiếng Anh của báo cáo gốc bằng tiếng Ả Rập.
Nick Brown, một chuyên gia phân tích số liệu, bắt đầu xem xét các nghiên cứu của Abu Hashim và Badawy từ năm 2021 sau khi nhận được yêu cầu từ một nhà báo Hà Lan.
Ông nhanh chóng phát hiện các bài báo của hai nhà nghiên cứu này có nhiều lỗi “chí mạng”. Hầu hết trị số P (P-value) – một thông số quan trọng trong thống kê – đều sai. Một số giá trị vượt quá 1, điều không thể xảy ra về mặt toán học. Ngoài ra, cùng một bài kiểm định nhưng lại có kết quả khác nhau.
Brown nhận định: “Có vẻ như họ chỉ đưa ra các con số ‘trông có vẻ hợp lý’ mà không nhận ra rằng chúng cần thống nhất”.
Siết chặt quy định cấp bằng tiến sĩ sau các vụ gian lận
Theo Dub – trang tin tức độc lập của Đại học Utrecht, trước đây, việc lấy bằng tiến sĩ dựa trên các nghiên cứu đã hoàn thành ở nơi khác khá dễ dàng, đặc biệt nếu các nghiên cứu này đã đăng trên các tạp chí khoa học. Ở Hà Lan, các trường đại học nhận một khoản tài trợ từ chính phủ cho mỗi bằng tiến sĩ họ cấp. Trước đây, những ứng viên tiến sĩ chỉ cần gộp các bài báo đã được công bố thành một cuốn sách nhỏ là đủ để nhận bằng.
Đây chính là trường hợp xảy ra trong vụ cấp bằng cho tiến sĩ Badawy. Ông này đã thực hiện nghiên cứu ở Ai Cập và chưa từng làm việc tại Đại học Utrecht. Đại học Utrecht và giáo sư hướng dẫn chỉ bắt đầu tham gia vào nội dung nghiên cứu khi Badawy đến trường để xin cấp bằng tiến sĩ.
Sau vụ việc này, yêu cầu để nhận bằng tiến sĩ đã được thắt chặt: Ứng viên tiến sĩ giờ đây phải đăng ký ít nhất 3 năm trước khi bảo vệ luận án; chấp nhận thỏa thuận về đào tạo, hướng dẫn và cách thức theo dõi tiến độ nghiên cứu từ đầu quá trình; mỗi ứng viên tiến sĩ sẽ có ít nhất hai người giám sát.
Tại VUB, sau quyết định thu hồi học vị Tiến sĩ khoa học y khoa của Hatem Abu Hashim, trường cũng đã và đang triển khai các biện pháp nhằm cải thiện việc kiểm tra dữ liệu thống kê, thắt chặt quy định cấp bằng.
Trên trang web của Trường, Phó Hiệu trưởng Nghiên cứu Pieter Ballon cho biết: “Trong một thế giới tràn ngập thông tin sai lệch, tính liêm chính là yếu tố thiết yếu để duy trì niềm tin vào khoa học. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tính liêm chính, trách nhiệm của chúng tôi là phải làm rõ. Điều đó có nghĩa là trường sẽ điều tra kỹ lưỡng mọi khiếu nại và đưa ra các quyết định cần thiết nếu niềm tin này bị tổn hại”.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/giao-su-y-khoa-bi-thu-hoi-bang-tien-si-vi-gian-lan-du-lieu-nghien-cuu-2350255.html