Toán học suy cho cùng là sản phẩm của trí tưởng tượng nhân loại, một thứ ảo tưởng rất thú vị.
Tháng 6-2024, tôi gặp Lê Quang Nẫm ở TP.HCM, nhớ lại 24 năm trước tôi từng viết bài báo “Lê Quang Nẫm làm văn với toán” đăng báo Tuổi Trẻ năm 2000. Lúc đó Nẫm là sinh viên của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM (ĐHQG TP.HCM). Anh xuất bản quyển sách Tìm tòi để học Toán dưới dạng nhật ký toán học.
Lê Quang Nẫm đến Mỹ làm tiến sĩ tại Viện Toán học Courant, và trở thành giáo sư Đại học Indiana (Mỹ). Ngày 14-7-2024 tới đây, anh cùng đồng nghiệp Ovidiu Savin (Đại học Columbia, Mỹ) sẽ nhận Giải thưởng Frontiers of Science của Đại hội Khoa học cơ bản quốc tế (International Congress of Basic Science) diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc – dành cho những bài báo đăng trên các tạp chí hàng đầu.
Hành trình 24 năm trở thành người giải toán đỉnh cao không chỉ để Lê Quang Nẫm chinh phục mỗi toán, còn là đường đi nhà khoa học nhận diện về lẽ sống, tư duy làm việc. Liệu cái nhìn về toán có còn như thuở ban đầu? Dùng điều khác toán để giải toán được không?…
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Lê Quang Nẫm nhân sự kiện này.
* Chào anh, mới đó chàng trai đôi mươi đã là nhà toán học 44 tuổi. Đã dành 1/2 cuộc đời cho toán học, điều anh đi tìm trong toán đã thực sự tìm thấy?
– Lúc ở làng quê Quảng Ngãi tôi chỉ biết về toán qua những thiên tài trên sách báo và những học sinh giỏi toán. Tôi tự hỏi ‘khoảng giữa’ 2 đối tượng đó là ai? Cha mẹ muốn tôi vô Bách khoa, vì toán được coi là 1 trong 10 nghề ‘khốn khổ’ nhất. Nhưng tôi chọn toán, vì thắc mắc toán tồn tại để làm gì nếu bạn không phải là thiên tài như Newton?
Rất lâu tôi vẫn không trả lời được câu hỏi: Làm sao để kiếm sống bằng nghề toán? Cho đến khi nhận chế độ đãi ngộ dành cho giáo sư toán ở các đại học nghiên cứu tại Mỹ, với mức lương cao nhưng không cần dạy nhiều, hỗ trợ nghiên cứu, tôi hiểu rằng người ta sẽ thuê người làm toán giỏi để giải quyết những vấn đề mới, cũng như cuộc sống còn cần những người truyền đi cảm hứng.
Bài viết “Lê Quang Nẫm làm văn với toán” trên báo Tuổi Trẻ năm 2000
* Và vẻ đẹp của toán trong anh vẫn còn nguyên? Có lúc anh khẳng định tất cả công việc chúng ta đang làm đều là ảo tưởng, điều này có nghĩa gì?
– Thuở ban đầu học toán thấy đẹp song khó định lượng vẻ đẹp. Nhưng theo thời gian tôi thấy toán học suy cho cùng là sản phẩm của trí tưởng tượng nhân loại, một thứ ảo tưởng rất thú vị. Không chắc toán có thực, nhưng người ta có thể trả lương tốt cho bạn để chấm phá nó.
Toán hay bất cứ lĩnh vực nào, chỉ khi chính ta tạo ra sự khác biệt thì mới thăng hoa. Trong nghiên cứu, nếu nhìn vấn đề cần giải quyết chỉ qua kỹ thuật thông thường thì chỉ đạt kết quả ở mức nào đó, muốn đi xa hơn phải thấy điều gì khác hơn “thực đơn” có sẵn, thậm chí phải dùng kiến thức từ ngành khác đắp vào.
Một ví dụ là lời giải bài toán thứ 19 của Hilbert: Một lớp phương trình đạo hàm riêng quan trọng mô tả các hiện tượng cân bằng trong vật lý có thể được nghiên cứu thông qua việc quan sát.. yên ngựa! Vì các cấu trúc hình học giống yên ngựa cũng có sự cân bằng giữa các điểm lồi lõm.
* Theo anh, tố chất nào quan trọng trong nghiên cứu?
– Lãng mạn nhưng phải biết cách kết thúc vấn đề. Giống như bữa ăn của người phương Tây luôn kết thúc từng món ăn, chứ không thừa mứa. Ý tưởng hay nhưng không biết viết ra hoặc không kết thúc được thì người khác sẽ kết thúc, và chúng ta mất quyền ưu tiên.
* Nhìn lại, anh nghĩ một người có nên dành phần lớn cuộc đời chỉ cho một đam mê?
– Năm 24 tuổi đến Mỹ, tôi tự đặt mục tiêu nếu 26 tuổi không phát hiện được gì mới mẻ, tôi sẽ từ bỏ toán. Khi xem trao giải Oscar trên TV, diễn viên Salma Hayek trên sân khấu đã nói một ý chạm đến bản thân tôi, đó là “mỗi người đều cần kể ra 1 câu chuyện”. Gợi ý của cô ấy giúp tôi đặt câu hỏi về câu chuyện của mình. Bằng cách truy vấn đó, một vài ách tắc trong nghiên cứu của tôi đã được khai thông.
Mỗi người đều tự biết mình nên dành bao nhiêu thời gian cho một đam mê. Riêng tôi không băn khoăn vì sao mình mê toán.
Sinh ra ở nông thôn nhưng tôi không nhận diện được lúa sâu rầy. Tôi không vào Bách khoa được vì không vẽ kỹ thuật chi tiết máy được. Tôi cũng mù màu không phân biệt được hóa chất, sinh học thời cấp 3 không hiểu gì… Toán chính là điều hợp lý nhất dành cho tôi. Mẹ nói tôi lớn lên sẽ không có cơm mà ăn nhưng không sao, có nhiều ngày tôi không hề ăn cơm vẫn ổn.
Quan trọng là lĩnh vực công việc phù hợp với bản thân. Sau đó để sống lâu với toán, tôi tồn tại trong những câu hỏi, hỏi nhiều và tìm cách dứt điểm. Tôi cũng học cách chấp nhận người nghiên cứu có thời điểm không nghiên cứu được gì, tuy nhiên khi còn trẻ nhất định phải vượt qua một số ngưỡng nào đó trong nghiên cứu.
* Quá trình anh hòa nhập với thế giới có khó khăn không? Ngoại ngữ hay thứ gì là rào cản lớn?
– Ngoại ngữ hay bị ‘hù’ là trở ngại lớn nhất, nhưng tôi không thấy quá trầm trọng. Để khắc phục một cách cơ bản tôi chọn học lại tiếng Việt. Tôi đọc hầu hết sách về tiếng Việt của nhà ngôn ngữ Nguyễn Đức Dân và thấy tiếp cận ngoại ngữ dễ hơn.
Dù viết bằng tiếng Anh, người ta có thể nhận ra mình kém hay rành tiếng mẹ đẻ. Âm điệu tiếng Anh cũng có vẻ hơi giống nhạc jazz, chỉ cần nhấn nhá những từ quan trọng. Một điều về vật chất có thể gây trầm cảm rất lớn với du học sinh lại chính là… tiêu hóa, thích nghi với ẩm thực ngoài nước. Đó là một phát hiện nghiêm túc của tôi.
Có phải chị muốn hỏi thêm về sự kỳ thị hay công bằng? Đôi khi vẫn có sự kỳ thị đối với người châu Á ở môi trường đa quốc gia. Nhưng hãy cứ tiếp tục làm việc nghiêm túc và nhất quán, giá trị của mình sẽ được chấp nhận, kể cả trong những chuyện mình không kiểm soát được.
* Một cách thành thực, trình độ của trí thức Việt Nam có cách biệt với thế giới không?
– Giới hạn trong phạm vi tốt nghiệp đại học toán trong nước và sang Tây Âu và Mỹ làm tiến sĩ, tôi nghĩ nhiều năm trước cách biệt không đáng kể, vì số lượng đi học ít, hầu hết được đào tạo bài bản.
Gần đây số lượng nhà nghiên cứu trẻ đến Âu Mỹ gấp lên nhiều lần, thì trình độ có cách biệt hơn, có thể do sự đa dạng hay vì cách dạy toán đã thay đổi.
* Anh có bao giờ “oán trách” về những kiến thức anh đã được dạy tại Việt Nam?
– Tôi đã được giáo dục tốt. Nhưng giả sử tôi có thụ hưởng nền giáo dục tệ hơn, tôi vẫn xem đó là kỷ niệm đẹp và việc tư duy sẽ hấp dẫn hơn nữa, vì đã trải qua những điều chưa như ý thì sự suy ngẫm càng sâu sắc hơn, cảm nhận về cái hay sẽ giá trị hơn.
* Anh là người am hiểu và say mê cả văn chương nghệ thuật. Tốc độ đọc của anh hiện giờ có đáng hài lòng? Văn chương thực sự rất cần cho toán hay chỉ là một thú vui?
– Tôi đọc chỉ hơn 4.000 trang một năm, thật sự thua xa đứa trẻ là con trai 10 tuổi của mình. Văn hóa đọc ở Mỹ được ươm mầm một cách căn cơ. Trẻ mẫu giáo đã có 1 giờ thư viện mỗi tuần. Trẻ lớp 4 có 2 giờ. Một năm trẻ có thể đọc trên 200 quyển sách.
Các đồng nghiệp nước ngoài đọc sách văn chương với cả nhiều phiên bản khác nhau và có thể so sánh chúng. Với vốn kiến thức phong phú, mọi người sẽ tranh luận mở rộng sắc bén nhiều chủ đề, trong đó có toán học.
Nhiều người kiến thức sâu rộng tham gia giải đáp những câu hỏi mở về toán rất thú vị, cũng như đóng góp thêm câu hỏi hay của mình.
Bài viết về người cha của Lê Quang Nẫm trên báo Tuổi Trẻ năm 2001
* Nhiều bạn đọc chắc hẳn còn nhớ về người cha từng đạp xích lô giữa Sài Gòn nuôi anh đi học Năng khiếu toán. Sự qua đời của ông ấy đã là một nỗi đau khó nguôi ngoai đối với anh…
– Một thời gian, tôi thật sự trống vắng. Có nhiều hối tiếc khi tôi chọn con đường đi xa cha mẹ mình, được hiểu như sự đánh đổi khi theo đuổi đam mê mà cha mẹ tôi cũng luôn khuyến khích.
Ba tôi là một người cha tuyệt vời. Cũng có những điều bất đồng vì tuổi tác và cá tính, nhưng sự không hoàn hảo luôn có trong đời, nếu không tôi sẽ không rút được kinh nghiệm để dạy con mình trong tình huống tương tự.
* Xin cảm ơn giáo sư.
TRƯƠNG BẢO CHÂU
Tư liệu Tuổi Trẻ
26-6-2024
Nguồn: https://tuoitre.vn/giao-su-toan-hoc-le-quang-nam-ton-tai-voi-nhung-cau-hoi-20240625083740337.htm