Gia đình GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết ông qua đời vào sáng 24/4, hưởng thọ 90 tuổi. Hội Văn nghệ dân gian nơi ông Tô Ngọc Thanh gắn bó nhiều năm trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, cũng xác nhận thông tin.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934, quê ở Mỹ Văn (Hưng Yên). Ông là con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân. Có cha là họa sĩ nổi tiếng, GS.TS Tô Ngọc Thanh theo học mỹ thuật từ khi mới 6,7 tuổi. Nhưng từ nhỏ, Tô Ngọc Thanh đã có niềm đam mê âm nhạc.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Tô Ngọc Thanh làm Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến những năm 1949-1951. Thời điểm đó, nghệ sĩ trẻ Tô Ngọc Thanh tham gia nhiều tiết mục của đoàn.
Năm 1951, Đoàn Văn hóa kháng chiến giải thể, ông Thanh thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó tiếp tục theo học khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên.
Năm 1959, ông được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ thời điểm này, ông bắt đầu hành trình sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, sống hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Hàng chục năm lặn lội khắp núi rừng, buôn bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc như công trình Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971), tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2000), ghi chép về văn hóa và âm nhạc – công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang sách,…
Ông còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng nhận các giải thưởng: Giải Nhất do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng (1972), 4 giải Nhất của tổ chức Trung tâm Văn hóa Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
Năm 2010, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nhiều công trình có giá trị của các hội viên trong cả nước đã được tài trợ, tặng giải thưởng kịp thời, góp phần làm hiện diện, tỏa sáng nguồn lực văn hoá dân gian Việt Nam.
Hội Văn nghệ dân gian có kế hoạch tổng lực sưu tầm văn hóa dân gian từ năm 2000 đến 2020 nhằm kịp thời bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian trước nguy cơ mai một.