Cuốn sách “Ước vọng cho học đường – Những bài viết về giáo dục” của GS.TS Huỳnh Như Phương giành giải Sách hay năm 2024 ở hạng mục sách viết sách giáo dục được trao vào sáng 6/10 tại TPHCM.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS.TS Huỳnh Như Phương cho biết, đây là một cuốn sách mỏng, in khổ nhỏ chỉ khoảng 200 trang, gồm những bài viết vào những thời gian khác nhau được chọn lựa và tập hợp, chứ không phải là một công trình biên soạn hệ thống hay một khảo luận về giáo dục.
Theo ông, có thể ban giám khảo và bạn đọc bình chọn đã đồng cảm với cuốn sách khi thấy ở đó những chia sẻ thành thật của một người trong cuộc đã nhìn thấy và âu lo trước những hạn chế của một nền giáo dục bị nhiều tổn thương mà vẫn không thôi ước vọng về tương lai tốt đẹp của nó, như là hình ảnh tươi sáng về một học đường mà tuổi thơ và tuổi trẻ trên đất nước này xứng đáng được thụ hưởng.
Nhà giáo này bày tỏ, suốt 45 năm theo nghề, ông luôn băn khoăn về đường hướng và môi trường giáo dục, về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, về tuyển sinh và tuyển dụng, về vị trí, phẩm chất nhà giáo và mối quan hệ thầy trò.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông chọn 20 bài viết từ hàng trăm bài viết của mình từ những năm 1980 đưa vào cuốn sách này, như một chứng từ ghi nhận sự chuyển biến của nền giáo dục.
“Như tôi viết trong lời đầu sách, với chỗ đứng của một nhà giáo ở cơ sở, tôi không có được cái nhìn toàn cảnh về thực trạng và cũng không có khả năng đưa ra những giải pháp căn bản cho giáo dục.
Đây chẳng qua là những gợi ý và nhất là, như tên gọi của cuốn sách, những ước vọng của một người bày tỏ từ sân trường, từ bục giảng về tương lai của nền giáo dục nước nhà”, GS Phương trải lòng.
Ông bày tỏ quan điểm, nếu con người là động lực và mục tiêu của phát triển xã hội thì giáo dục là định hướng cho sự phát triển đó.
Nhiều năm qua, những trí thức ưu thời mẫn thế, dù chuyên sâu và thành đạt trong lãnh vực nào cũng đều quan tâm suy nghĩ và hiến kế cho giáo dục nước nhà.
Bởi mọi người ý thức rằng giáo dục là lãnh vực liên quan mật thiết đến tất cả các lãnh vực hoạt động khác; một nền giáo dục có thực chất mới giải quyết được những vấn nạn về văn hóa, tri thức sáng tạo và thị trường lao động.
Trái lại, nếu giáo dục còn ngổn ngang, trì trệ thì rất khó có lãnh vực nào được xem là phát triển bền vững.
GS.TS Huỳnh Như Phương nhấn mạnh, giáo dục thành công hay thất bại là do ý thức trách nhiệm và nỗ lực của toàn xã hội, chứ không chỉ của riêng nhà giáo, nhà quản trị.
Tất nhiên, ngành giáo dục phải trực tiếp đối diện với những vấn đề trong nhà trường, nên luôn luôn chịu sự sát hạch và kiểm thảo của xã hội.
Ông nhắn gửi: “Dư luận cần lên tiếng chỉ trích những hiện tượng tiêu cực trong nhà trường, với những địa chỉ và việc làm cụ thể; chỉ mong dư luận đừng làm tổn thương đến nghề giáo là một trong những nghề vất vả và chịu nhiều áp lực nhất hiện nay”.
Người giáo già cũng chia sẻ, bìa cuốn sách “Ước vọng cho học đường” in lại bức tranh được minh họa cho truyện ngắn đầu tay của ông được đăng báo vào năm 1970. Câu chuyện viết về tình thầy trò, về nhân vật cô giáo ở vùng nông thôn giữa thời chiến, vì quá khó khăn mà phải bỏ nghề.
Khi viết câu chuyện này, ông mới 15 tuổi. Lúc đó, cậu học trò không hề nghĩ mình sẽ bước theo nghề của nhân vật cô giáo, lại còn trụ vững với nghề đến 45 năm. Giờ đây, ông vẫn luôn nhớ đến và biết ơn các thầy cô giáo đã dạy và truyền nghề cho mình.
Giải Sách hay là giải thưởng độc lập và dân lập đầu tiên về sách của Việt Nam có quy mô rộng rãi nhất hiện nay do học giả và độc giả bình chọn ra đời từ năm 2007.
Năm nay, giải được trao cho 7 hạng mục bao gồm sách nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và phát hiện mới. Mỗi hạng mục gồm thể loại viết và thể loại dịch.
Các tác phẩm đạt giải Sách hay 2024:
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/giao-su-gianh-giai-sach-hay-mong-du-luan-dung-lam-ton-thuong-nghe-giao-20241006134624545.htm