Tối 9/10, trước thềm công bố giải thưởng Nobel Văn học 2024, Hội thảo Văn học Thụy Điển đã được Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức tại Viện Goethe Hà Nội, thu hút sự tham dự đông đảo tác giả, nhà văn, nhà báo và độc giả yêu văn chương.
Đây là sự kiện đặc biệt do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển (1969-2024), tạo cơ hội cho các tác giả Thụy Điển giao lưu với độc giả và tác giả Việt Nam.
Giao lưu trực tuyến với nhà văn, dịch giả Mats Malm và tác giả Anna-Karin Palm tại Thụy Điển. (Ảnh: Bạch Dương ) |
Hội thảo đã kết nối trực tuyến với nhà văn, dịch giả Mats Malm – Giáo sư Khoa học văn học tại Đại học Gothenburg, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển và tác giả Anna-Karin Palm – thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Chia sẻ tại đây, ông Mats Malm bày tỏ cảm xúc hồi hộp trước ngày trao giải Nobel Văn học 2024, đồng thời cho biết việc xét duyệt giải là quá trình đánh giá kỹ lưỡng và khắc nghiệt để chọn ra 5 cái tên xứng đáng nhất.
Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dịch thuật trong việc đảm bảo sự công bằng và chính xác khi đánh giá các tác giả quốc tế, bởi nó quyết định việc truyền tải đúng tinh thần và giá trị của tác phẩm.
Với sự quan điểm sâu sắc đến lịch sử văn học Thụy Điển, bà Anna-Karin Palm nhấn mạnh rằng văn học Thụy Điển không chỉ giúp xóa mù chữ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, góp phần vào quá trình phát triển dân chủ và là tiếng nói cho các nhóm yếu thế trong xã hội.
Tác giả Anna-Karin Palm đã đoạt nhiều giải thưởng, nổi tiếng với các tác phẩm về văn hóa dành cho cả người lớn và trẻ em như The Faun (năm 1991), The Painter’s Daughter (năm 1997).
Trong cuộc giao lưu với công chúng Việt Nam, bà Anna-Karin Palm còn chia sẻ thêm về những bước chuyển mình của văn học Thụy Điển qua các thời kỳ, phản ánh những thay đổi trong tư tưởng và xã hội.
Bà cũng nhận định rằng hiện nay, văn học đang có sự giao thoa lớn về tư tưởng và phong cách giữa các thế hệ, khiến cho xu hướng văn học trở nên khó dự đoán. Nhưng, bà khẳng định “Viện Hàn Lâm sẽ luôn cổ vũ cho sự phát triển đa dạng của văn học”.
Nhà văn Karin Smirnoff chia sẻ trực tiếp tại hội thảo Văn học Thụy Điển.(Ảnh: An Lê) |
Không chỉ gặp gỡ trực tuyến, cuộc hội thảo càng thú vị hơn khi có sự tham dự trực tiếp của nhà văn Karin Smirnoff – tác giả nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đầu tay My Brother đã được đề cử giải August năm 2018, được công nhận là một tiếng nói mới trong bộ sách bán chạy Millennium.
Chia sẻ về hành trình văn chương, quá trình sáng tác và cách xây dựng nhân vật, Karin Smirnoff cho biết việc viết lách đối với bà là một phương thức để tâm hồn tự do và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi nội tại.
Trước đây, bà từng là chủ của một công ty đồ gỗ. Sự khắc nghiệt của môi trường làm việc với chủ yếu là nam giới, đã thôi thúc bà bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc thông qua việc viết.
Theo tác giả Karin Smirnoff, viết không chỉ để phản ánh cuộc sống, mà còn giúp bà khám phá sự thật ẩn giấu trong chính mình.
Với bà, nhân vật không phải những hình tượng hư cấu, mà là sự kết hợp từ nhiều cá tính của những người bà gặp gỡ. Đặc biệt, nhân vật trong các tiểu thuyết của Smirnoff thường mang cá tính mạnh mẽ, độc lập, sẵn sàng đối diện với thách thức trong cuộc sống và đặc biệt là bạo lực.
Bà nói: “Làm việc xấu luôn dễ dàng hơn việc tốt, nhưng tôi tin rằng có những góc khuất tâm lý ẩn sau mỗi hành động đó và tôi luôn tìm kiếm những góc khuất ấy trong tác phẩm của mình…
Văn chương là cây cầu kết nối những câu chuyện và trải nghiệm của chúng ta. Tôi rất vui mừng được chia sẻ câu chuyện của mình và học hỏi từ cộng đồng văn học sôi động ở Việt Nam”.
Giao lưu trực tuyến với nhà báo, nhà văn Patrik Svensson. (Ảnh: Bạch Dương) |
Hội thảo còn diễn ra với cuộc nói chuyện với nhà văn, nhà báo Patrik Svensson – tác giả của Phúc âm của loài cá chình – một tác phẩm kết hợp giữa phi hư cấu và tự truyện đã được dịch sang 33 ngôn ngữ khác nhau và giành giải August năm 2019.
Patrik Svensson dẫn dắt người tham dự vào câu chuyện kỷ niệm ấu thơ, khi ông cùng cha đi bắt cá chình bên dòng suối nhỏ gần nhà, cha kể cho ông về câu chuyện khoa học và lịch sử loài cá này. Những trải nghiệm đó truyền cảm hứng cho nhà văn viết lên tác phẩm – phép ẩn dụ về cuộc sống của ông.
Patrik Svensson cho rằng: “Câu chuyện là nguồn sống của sự tồn tại của chúng ta. Tôi rất mong được bàn luận về cách mà lịch sử văn hóa của loài cá chình kết nối với trải nghiệm của con người và gắn kết chúng ta lại với nhau”.
Tác phẩm của ông luôn có sự giao thoa giữa lịch sử và khoa học. Ông nói: “Với tư cách là một nhà báo, tôi luôn ưu tiên cho các kiến thức khoa học và sự thật, nhưng với tư cách là một nhà văn, những điều bí ẩn và khía cạnh triết lý của cuộc sống luôn thu hút tôi”.
Sau những cuộc trò chuyện, trao đổi thú vị từ các tác giả, hội thảo khép lại với bữa tiệc nhỏ đậm chất Thụy Điển, bao gồm bánh salat truyền thống và đồ uống trái cây tươi mang đến trải nghiệm trọn vẹn, kết nối mọi người trong không gian ấm cúng.
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm poster “Giữa những dòng chữ”. (Ảnh: Bạch Dương) |
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm poster mang tên Giữa những dòng chữ do Viện Thụy Điển tổ chức, giới thiệu những chia sẻ tâm huyết của các tác giả và chuyên gia văn học nổi tiếng của Thụy Điển.
Triển lãm mang đến những góc nhìn độc đáo về văn chương, vai trò của nó trong đời sống và phát triển văn hóa. Đây cũng là cơ hội để công chúng Việt Nam khám phá văn học Thụy Điển và thấu hiểu giá trị văn chương qua những quan điểm sâu sắc từ các tác phẩm trưng bày.
Nói về sự kiện, bà Marie-Louise Thaning, Tham tán Đại sứ quán Thụy Điển, cho biết: “Chương trình này thể hiện tinh thần giao lưu văn hóa, cho phép chúng ta tôn vinh sức mạnh của văn chương trong việc kết nối con người qua các biên giới. Chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho sự trân trọng sâu sắc hơn đối với nghệ thuật văn chương trong cộng đồng của chúng ta”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/giao-luu-van-hoa-viet-nam-thuy-dien-ton-vinh-suc-manh-cua-van-chuong-289510.html