Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam Doi Katsuma cho rằng, với nền tảng của sự giao lưu văn hóa thường xuyên và tích cực như hiện tại, người dân Việt Nam và Nhật Bản cần hiểu biết sâu hơn về giao lưu này trong giai đoạn mới.
Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam Doi Katsuma. |
Goethe của Đức, L’Espace của Pháp hay Hội đồng Anh của Anh…, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã trở thành địa chỉ văn hóa tin cậy của công chúng ở Hà Nội. Điều gì làm nên thành công này, thưa ông?
Được thành lập ở Hà Nội từ năm 2008 với tư cách là một văn phòng đại diện tại nước ngoài của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, chúng tôi hoạt động trên ba lĩnh vực chính là trao đổi văn hóa nghệ thuật, giáo dục tiếng Nhật, nghiên cứu Nhật Bản và đối thoại quốc tế.
Trong suốt 15 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với nhiều tổ chức và cá nhân ở Việt Nam thực hiện nhiều chương trình, từ triển lãm, hòa nhạc, biểu diễn sân khấu, chiếu phim, diễn thuyết, đến thúc đẩy kết nối giữa các nghệ sĩ và nhân vật văn hóa của hai nước và các nước khác. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục tiếng Nhật, trong đó có hoạt động hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu học tiếng Nhật ngày càng cao, chúng tôi tăng cường hỗ trợ ở các cấp độ khác nhau như: cử các chuyên gia tiếng Nhật sang Việt Nam, mời các giáo viên và sinh viên, học sinh Việt Nam sang
Nhật Bản, cung cấp các tài liệu giảng dạy tiếng Nhật, tổ chức các buổi hội thảo hoặc khóa đào tạo dành cho giáo viên, cung cấp các dịch vụ tư vấn giảng dạy, tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật tại Việt Nam…
Về lĩnh vực nghiên cứu Nhật Bản và đối thoại quốc tế, chúng tôi hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo cho các cơ quan nghiên cứu về Nhật Bản. Chúng tôi cũng mời các nhà nghiên cứu qua Nhật nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về Nhật Bản tại Việt Nam; tổ chức các chương trình giao lưu trí tuệ như các dự án hợp tác nghiên cứu và các chương trình đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết về các vấn đề chung mang tính song phương, khu vực và toàn cầu.
Với dấu ấn kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung tâm xác định những hoạt động trọng tâm nào trong năm nay?
Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là làm sao có thể quảng bá được sức hấp dẫn của đất nước Nhật Bản đến với mọi tầng lớp người dân Việt Nam. Trong đó, hoạt động trọng tâm là tổ chức các triển lãm với chủ đề từ truyền thống đến hiện đại, kéo dài từ ba tuần đến một tháng.
Triển lãm búp bê Nhật Bản. |
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức thành công một số triển lãm như gốm Nhật Bản, ảnh phong cảnh Nhật của một nhiếp ảnh gia người Việt, búp bê Nhật Bản ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Giang…
Từ tháng 9 trở đi, bên cạnh việc duy trì các triển lãm, chúng tôi tổ chức Chương trình chiếu phim Nhật Bản Japan Hour – một sự kiện văn hóa rất được công chúng ở Việt Nam quan tâm, đồng thời bảo trợ cho vở opera “Công nữ Anio” diễn ra từ ngày 22-24/9 – hoạt động trọng tâm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Vào tháng 10, chúng tôi dự kiến tổ chức một buổi hòa nhạc J-Pop và Anime tại Nhà hát Tuổi trẻ và Complex01 với khách mời là một ca sĩ Nhật Bản nổi tiếng.
Người Việt Nam ngày càng yêu thích và gần gũi với văn hóa Nhật Bản. Ông có những ấn tượng gì về sự giao lưu văn hóa này?
Bản thân tôi ngày càng nhận thấy sự tương đồng và gần gũi giữa con người, cũng như văn hoá Việt Nam và Nhật Bản. Thật mừng vì người Việt Nam luôn dành sự quan tâm và tin tưởng sâu sắc với các sản phẩm, dịch vụ của Nhật Bản. Ngoài ra, số lượng người quan tâm đến các lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa đại chúng như truyện tranh, phim hoạt hình, thời trang đến nghệ thuật, văn học ngày càng tăng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Theo ông, trong thời gian tới, việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước cần phát triển theo hướng nào?
Với nền tảng của sự giao lưu thường xuyên và tích cực như hiện nay, chúng ta cần có những định hướng mới.
Là cơ quan làm công tác quảng bá văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam, chúng tôi có định hướng theo các mức độ giao lưu như sau.
Cấp độ đầu tiên là thông qua các hiện vật ẩn chứa những tâm tư tình cảm, văn hóa của người Nhật. Cấp độ thứ hai là giao lưu giữa con người với con người ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Cấp độ thứ ba là giao lưu xã hội – mảng này chúng tôi vẫn chưa làm được nhiều và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Doi Katsuma cùng các em học sinh Việt Nam tại một triển lãm về gốm Nhật. |
Trên cơ sở mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển, chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự giao lưu, trao đổi và chia sẻ thông tin và hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo ra các giá trị mới.
Nhìn lại chặng đường thiết lập quan hệ ngoại giao 50 năm qua, có thể nhìn thấy rõ những thành quả của sự giao lưu văn hóa giữa hai nước. Tuy nhiên, trong 50 năm tới, chúng ta không đơn thuần chỉ “nhìn” mà cần suy ngẫm về sự giao lưu này. Phải làm sao để người
Việt Nam không chỉ yêu thích mà còn hiểu về bối cảnh văn hóa – lịch sử đằng sau đó để hiểu sâu hơn nữa về văn hóa Nhật Bản, cũng như người Nhật khi thưởng thức đồ ăn Việt Nam không chỉ thấy ngon mà còn hiểu được cả lịch sử và ý nghĩa của món ăn đó.