Hoạt động quy tụ 22 mô hình sinh kế tiêu biểu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các đại biểu cắt băng khai mạc hoạt động “Giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình sinh kế hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người”. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Ngày 6/10, tại thành phố Thái Nguyên, Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên tổ chức hoạt động “Giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình sinh kế hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị mua bán trở về”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng dân tộc thiểu số và đồng bào miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hoạt động quy tụ 22 mô hình sinh kế tiêu biểu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có sự tham gia của phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận, đang tham gia các mô hình, tổ nhóm sinh kế, các hợp tác xã hoặc có nhu cầu hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng.
Hoạt động được tổ chức nhằm nhân rộng các mô hình, cách làm hay để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu và một số đặc sản của tỉnh đến với người dân trong, ngoài tỉnh; đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khuyến khích hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại đây, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, với sứ mệnh hoạt động vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ, trong những năm qua, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế bị bạo lực trên cơ sở giới, giúp họ nhận thức được đầy đủ quyền và các kỹ năng cần thiết để làm chủ cuộc sống. Trung tâm đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua hỗ trợ học nghề, tạo việc làm và kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp hồi gia bền vững.
Hoạt động “Giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình sinh kế hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị mua bán trở về” kéo dài đến hết ngày 8/10, gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như truyền thông kiến thức về an toàn thực phẩm, giao lưu với nhân dân để tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm…
Tại hội thảo “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 27/9, Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, hiện nay, đa số đối tượng mua bán người đều nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xảy ra trong phạm vi nội địa là chủ yếu (chiếm hơn 90%). Nạn nhân là nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao, thường bị bán vào phục vụ cho các cơ sở massage, karaoke… |