(Báo Quảng Ngãi)- Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trùng tu di tích lịch sử… nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Ý nghĩa từ hội thi tìm hiểu lịch sử
Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Mộ Đức đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện Mộ Đức giai đoạn 1930 – 2005. Hội thi được tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, gồm các phần thi giới thiệu, thi kiến thức và các tiểu phẩm tái hiện các trận đánh tiêu biểu, các sự kiện lịch sử của đảng bộ địa phương. Hội thi thu hút sự tham gia của 16 đội đến từ 13 xã, thị trấn, đảng ủy công an, đảng ủy quân sự huyện và đội liên quân cán bộ, công chức, viên chức huyện, với sự tham gia cổ vũ của đông đảo người dân ở địa phương.
Một tiết mục tại Hội thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện Mộ Đức. ẢNH: BẢO HÒA |
Bí thư Đoàn xã Đức Tân Cao Thị Kim Nhung cho biết, để tham gia hội thi, tôi đã tìm hiểu lịch sử địa phương thông qua sách lịch sử đảng bộ huyện, đảng bộ xã và gặp các bậc lão thành cách mạng đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Thông qua hội thi, tôi hiểu hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương. Từ đó, tôi ý thức trách nhiệm và nhiệt huyết hơn trong công việc, để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Quang Vinh, tìm hiểu, học tập nâng cao kiến thức, nắm vững lịch sử đảng bộ huyện, truyền thống cách mạng của quê hương là việc cần thiết để giáo dục lý tưởng, nâng cao nhận thức, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Để tri ân công lao và sự hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), huyện Mộ Đức đã đầu tư xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH huyện Mộ Đức tại trung tâm hành chính huyện. Toàn huyện có 1.139 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, hiện nay có 43 Mẹ còn sống. Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH huyện Mộ Đức được xây dựng đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, người dân, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ.
|
Phát huy giá trị di tích lịch sử
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua việc tổ chức hành trình về nguồn, tìm hiểu di tích lịch sử – văn hóa…
Đoàn viên, thanh niên và du khách tham quan Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: Kim Ngân |
Mới đây, tại Đền thờ Trương Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), Tỉnh đoàn đã tổ chức Lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Những gương mặt điển hình của tuổi trẻ toàn tỉnh có dịp dâng hoa, dâng hương trước đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Anh Nguyễn Thanh Hoàng, ở xã Bình Trung (Bình Sơn), một trong 20 gương mặt tuổi trẻ tiêu biểu được tuyên dương chia sẻ, qua hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, tuổi trẻ chúng tôi càng thêm hiểu biết và tự hào về Anh hùng dân tộc Trương Định, cũng như hiểu hơn về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông. Chúng tôi nguyện ra sức phấn đấu, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong khi đó, Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) đã tổ chức lễ vinh danh học sinh tiêu biểu đạt nhiều thành tích cao trong năm học 2022 – 2023 tại Di tích lịch sử đền Văn Thánh, ở xã Đức Chánh. Thay vì tổ chức trong khuôn viên nhà trường, đến đền Văn Thánh nhiều học sinh đã hiểu thêm về nguồn gốc, lịch sử và ý nghĩa của ngôi đền có giá trị lịch sử gắn với thời kỳ chấn hưng nho học Quảng Ngãi vào thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX. Đền Văn Thánh cũng từng là nơi bám trụ của cán bộ, người dân địa phương trong chiến tranh, quyết tâm đánh giặc giữ làng.
Anh Phan Văn Hà, công chức văn hóa – xã hội xã Đức Chánh cho hay, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã tổ chức lễ vinh danh học sinh tại đền Văn Thánh. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử của địa phương.
BẢO HÒA – KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: