Chủ toạ phiên họp có bà Lê Thị Nhung, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh. Tham dự có ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Phiên họp nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề của tỉnh.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN, sau năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn 8 cơ sở GDNN, trong đó có 3 cơ sở GDNN công lập (3 trường Cao đẳng), 5 cơ sở hoạt động ngoài công lập (2 trung tâm đào tạo lái xe, 3 doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề).
So với trước khi sắp xếp, giảm 9 cơ sở GDNN công lập; tăng 1 doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề. 9 Trung tâm GDNN các huyện, TP Cà Mau chuyển chức năng, nhiệm vụ về Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau.
Hiện có 284 biên chế làm việc tại các cơ sở GDNN công lập; 215 cán bộ quản lý và giáo viên tại các cơ sở GDNN ngoài công lập.
Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có quy mô tuyển sinh, đào tạo 12.260 chỉ tiêu. Năm 2022, các cơ sở GDNN đào tạo 50 ngành nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và 23 ngành nghề dưới 3 tháng (chủ yếu đào tạo nghề cho lao động nông thôn).
Hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều sớm tìm được việc làm, khoảng 85% sinh viên khối chính quy tìm được việc làm đúng với ngành nghề sau tốt nghiệp.
Công tác đào tạo tại Trường cao đẳng Y tế Cà Mau.
Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, quy mô GDNN còn nhỏ; cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới. Việc đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực.
Nhiều trang thiết bị dạy nghề đã hư hỏng, xuống cấp, nhất là nghề may, tin học, sửa chữa xe máy, điện lạnh, điện dân dụng,…, một số thiết bị lạc hậu, thiếu thiết bị mới, từ đó ảnh hưởng đến việc đào tạo, chất lượng đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh chưa có trường cao đẳng, trung cấp tư thục; nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn chi cho hoạt động thường xuyên chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực đầu tư cho cơ sở GDNN từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế.
Phát biểu về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho biết sẽ ưu tiên đào tạo những ngành nghề thế mạnh của tỉnh.
Tại phiên họp, đại biểu đặt nhiều vấn đề để các đơn vị liên quan giải trình; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp như: Cần có lộ trình cụ thể trong đầu tư trang thiết bị; từng loại hình đào tạo phải xác định gắn với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề; cần cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, để tạo sức hút đối với học viên và giúp học viên tìm được việc làm sau đào tạo…
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề xuất thành lập lại 3 cụm trung tâm đào tạo đặt tại 3 huyện: Trần Văn Thời, Năm Căn, Cái Nước, đồng thời tăng cường nhân lực, đầu tư trang thiết bị để đạt hiệu quả đào tạo nghề trong thời gian tới. Hiện mỗi cơ sở này có từ 3-4 viên chức, người lao động, trong khi địa bàn phụ trách rộng, điều kiện đi lại khó khăn, công tác phối hợp với các địa phương từng lúc chưa chặt chẽ nên công tác tuyển sinh, quản lý lớp học, vận chuyển thiết bị để tổ chức lớp học gặp nhiều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí phát sinh.
Nhìn nhận GDNN hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do chưa có quy hoạch tổng thể toàn diện về GDNN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho biết UBND tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo những ngành nghề thế mạnh của tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cơ sở GDNN.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, đặt vấn đề về chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Kết luận phiên giải trình, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo GDNN trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, có tính đến các ngành chủ lực, then chốt và sát với nhu cầu sử dụng lạo động.
Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích và thu hút cán bộ khoa học, người có kinh nghiệm và tay nghề cao để tham gia giảng dạy tại tỉnh Cà Mau.
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, có cơ chế để thu hút, khuyến khích đầu tư các trường cao đẳng, trung cấp tư thục có năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của ngành, địa phương.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh đồng thời đề nghị sơ kết việc giải thể các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp các huyện, TP Cà Mau, chuyển chức năng về Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau, để qua đó đánh giá thuận lợi, tính khả thi và những khó khăn, bất cập, vướng mắc để có giải pháp sắp xếp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới./.
Mộng Thường