Nhiều trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, góp phần giáo dục lịch sử, bồi đắp truyền thống cho các em học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Cổ Đạm tham quan tìm hiểu lịch sử quê hương, dân tộc
Tiết học trải nghiệm gắn với nội dung giáo dục lịch sử địa phương những ngày đầu tháng 5 được Trường Tiểu học Cổ Đạm tổ chức tại đình Hoa Vân Hải (xã Cổ Đạm) – nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghi Xuân. Tại chương trình, các em học sinh được tham gia vẽ tranh về quê hương đất nước, thi rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của huyện Nghi Xuân; nghe và hát ca trù – một loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất Cổ Đạm.
Em Nguyễn Ngọc Phương Linh – Trường Tiểu học Cổ Đạm cho hay: “Chương trình đã giúp em và các bạn học được nhiều điều bổ tích. Chúng em được tham quan các di tích lịch sử để làm phong phú hơn kiến thức”.
Các em học sinh tìm hiểu về làn điệu ca trù – nét đẹp văn hóa của địa phương.
“Thời gian qua, Trường Tiểu học Cổ Đạm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như nhận, chăm sóc di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình Hoa Vân Hải, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Mai Hoa công chúa và tổ chức cho các em tham quan, học tập tại các di tích khác trên địa bàn huyện. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lập kế hoạch chi tiết và tìm địa chỉ cho các tiết học”, thầy giáo Ngụy Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Đạm chia sẻ.
Trong chương trình tham quan thực tế tại Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền) các em học sinh Trường Tiểu học Xuân Giang đã được tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cũng như tài năng kiệt xuất của Đại thi hào Nguyễn Du.
Em Đỗ An Bình – Trường Tiểu học Xuân Giang bày tỏ: “Nhà trường đã nhiều lần tổ chức cho chúng em đi tham quan tại Khu di tích Nguyễn Du, Khu di tích Nguyễn Công Trứ. Sau mỗi lần trải nghiệm đó giúp em hiểu thêm về cuộc đời và những đóng góp của các danh nhân”.
Cô trò Trường Tiểu học Xuân Giang tham quan Khu di tích Nguyễn Du
Cô giáo Đặng Thị Mến – giáo viên Trường Tiểu học Xuân Giang cho biết: “Trong các hoạt động ngoại khóa tôi thường khuyến khích các em tìm hiểu về các di tích trên quê hương. Ngoài ra, dưới sự định hướng của nhà trường, các em được tham gia các cuộc thi rung chuông vàng tìm hiểu về lịch sử địa phương, hội thi đọc thuộc truyện Kiều… cũng như thực hiện dọn dẹp vệ sinh ở các di tích”.
Nghi Xuân là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Toàn huyện hiện có 87 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 9 di tích cấp quốc gia.
Các di tích đều là nơi lưu giữ tên tuổi những vị anh hùng dân tộc, những người có công lao trong việc khai hoang lập làng; lưu giữ những phong tục, tập quán, đặc trưng văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của dân tộc, của quê hương.
Vì vậy, trong quá trình trải nghiệm, khi được tiếp xúc, quan sát, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa giúp các em học sinh hứng thú, say mê, chủ động trong việc khám phá, việc học tập cũng trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần đổi mới của các nhà trường nói riêng, ngành giáo dục đào tạo nói chung.
Thầy giáo Lê Văn Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Xuân An cho biết: “Thực hiện kế hoạch của nhà trường, Trường THCS Xuân An đã xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm từ đầu năm. Các em học sinh đã được giáo dục kỹ năng sống, phẩm chất năng lực thực tế, giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, đất nước. Nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan tại các di tích ngoại huyện như Ngã ba Đồng Lộc, thăm quê Bác…”
“Phòng GD&ĐT Nghi Xuân đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đơn vị tổ chức dạy học gắn với di tích lịch sử. Đầu năm học 2022-2023 đến nay, tất các các trường tiểu học, TH&THCS, THCS trên địa bàn đã tổ chức thành công các hoạt động liên quan. Điều này đã giúp học sinh Nghi Xuân thêm niềm tự hào về truyền thống quê hương, bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn dân tộc”, thầy Nguyễn Trung Thiên – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Nghi Xuân cho biết.
Đức Đồng