TS Ngô Tuyết Mai cho rằng các nhà trường không nên chỉ tập trung vào việc hôm nay dạy môn gì hay sẽ đem đến cho học trò nội dung nào. Học sinh cần được giáo dục “cả về trái tim lẫn trí óc”.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong giáo dục do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức ngày 23/11, TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên Đại học Flinders (Australia), cho hay là một người được hưởng nền giáo dục Việt Nam, trong ký ức của bà, các trường học đều gắn liền với khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Thời thơ ấu, mỗi lần đi học về, bà luôn được bố hỏi “Hôm nay con có gì vui?”. “Có lẽ bố mong muốn tôi sẽ nói rằng đó là môn toán, môn văn hay một môn học nào đó, nhưng tôi luôn nói mình vui nhất là giờ ra chơi”, bà nhớ lại.
Với kinh nghiệm của một người mẹ, một nhà giáo dục, bà cho rằng để giáo viên, học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, điều quan trọng là nhà trường phải đào tạo học sinh song song cả về trí óc và trí tuệ cảm xúc.
“Giống như triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle từng nói “Giáo dục trí óc mà không giáo dục trái tim thì không phải là giáo dục”. Nếu chỉ tập trung vào trí óc, điểm số, vô tình sẽ tạo nên áp lực cho học sinh, thầy cô và tất cả những người liên quan đến giáo dục”, bà Mai nói.
Để đào tạo được cả trái tim và trí óc, theo bà, giáo viên phải giúp học sinh tìm ra tố chất của mình, từ đó mới phát huy được tối đa thế mạnh. Giống như với một học trò giỏi nhảy, nếu giáo viên biết thế mạnh của học trò và tạo điều kiện để thể hiện ra, chúng sẽ cảm thấy tự tin, hạnh phúc theo đuổi đam mê và tỏa sáng trong lĩnh vực mình có thế mạnh.
Ngoài ra, giáo viên cần đặt mình vào địa vị của trẻ, tổ chức những hoạt động trong lớp sao cho có ý nghĩa, học mà chơi, chơi mà học, khi đó việc đi học sẽ thực sự trở thành một ngày vui.
TS Ngô Tuyết Mai cho hay tại Australia, trước khi vào bài học, giáo viên rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Vì thế, thầy cô hay thực hiện hoạt động “check in cảm xúc”. Thay vì ngay lập tức nói về bài giảng, giáo viên thường ưu tiên cho học sinh mô tả cảm xúc của mình trong ngày hôm ấy.
“Việc làm này có vẻ đơn giản nhưng thực chất cho thấy sức khỏe tinh thần và cảm xúc của học sinh mới là điều quan trọng. Tất nhiên, giáo viên cũng phải nhạy cảm, sử dụng trái tim, ánh mắt, nụ cười để giao tiếp và nhận biết học sinh có thực sự hạnh phúc hay không”.
TS Mai cũng đề cập tới mô hình PERMA nhằm giúp trường học xây dựng thành trường học hạnh phúc, trong đó bao gồm các yếu tố: Positive Emotion (Cảm xúc tích cực), Engagement (Thu hút), Relationships (Quan hệ), Meaning (Ý nghĩa), Achievements (Thành quả).
Cụ thể khi vào lớp, nếu giáo viên vui vẻ, hào hứng sẽ tạo năng lượng, cảm xúc tích cực cho người học. Ngoài ra, việc giảng dạy cần có sự thu hút. Thay vì đặt câu hỏi sẽ dạy gì, dạy như thế nào, giáo viên nên tập trung tạo ra các trải nghiệm học tập. Nếu không có sự thu hút trong bài giảng, giáo viên cũng không thể tạo nên hiệu quả học tập.
Ngoài ra, sự kết nối rất quan trọng. Thầy cô có giỏi đến đâu nhưng không có sự kết nối với học trò thì việc học cũng không hiệu quả. “Vì thế mỗi khi lên lớp, tôi thường xuyên tự nói với mình, ngày hôm nay khi tới lớp học, mình sẽ gửi điều gì vào ngân hàng cảm xúc của người học, để giúp mối quan hệ của mình với người học tốt hơn. Ngoài ra, những gì được dạy ở trường, nếu học sinh biết ý nghĩa, cũng sẽ đem lại sự hạnh phúc”, TS Mai nói.
Khi làm tốt được cả 4 yếu tố này, theo TS Mai, chữ “A”, tức “Achievements” sẽ xuất hiện. “Hiểu được mô hình PERMA, các trường học sẽ tìm được công thức hạnh phúc và có cách thực hiện hóa điều đó”, bà Mai nói.
Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong giáo dục với chuỗi hoạt động 4 phiên, tổ chức ngày 23 và 24/11 tại Trường TH School có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục trong nước và trên thế giới thảo luận, chia sẻ cách tạo nên môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh; nhấn mạnh đến việc đào tạo thế hệ giáo viên kiến tạo những tiết học hạnh phúc.
Thúy Nga
Nguồn: https://vietnamnet.vn/giao-duc-khong-nen-chi-tap-trung-vao-day-cai-gi-2344900.html