Ngày 7-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM, Đảng ủy Sở GD-ĐT TPHCM và Đảng ủy Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố” theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30-5-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học.
Giải pháp đồng bộ
Theo TS Nguyễn Thiện Duy (Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM), hiện nay, Đảng bộ khối có 32 cơ sở Đảng trực thuộc, với 6.098 đảng viên (trong đó có 2.010 đảng viên sinh viên, chiếm 32,96%). Thời gian qua, Đảng ủy khối đã xây dựng và thực hiện tốt chương trình công tác tuyên giáo đề ra; quan tâm theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng; kịp thời định hướng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dư luận xã hội của Đảng bộ khối và cấp ủy cơ sở, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị cơ sở qua kênh thông tin dư luận xã hội, tạo sự phấn khởi và niềm tin cho người lao động.
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm |
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 2.341 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt. Hiện số lượng đảng viên trong cơ sở giáo dục là 36.837 đảng viên (chiếm 14,63% đảng viên toàn thành phố), trong đó cán bộ, nhân viên: 7.059 đảng viên (19,16%); giảng viên, giáo viên: 26.536 đảng viên (72,04%); sinh viên: 3.188 đảng viên (8,6%) và học sinh là 54 đảng viên (0,15%).
Xác định công tác chính trị tư tưởng trong cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, thời gian qua, Thành ủy TPHCM đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này. Cấp ủy các cơ sở giáo dục cũng chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị trong học sinh, sinh viên thông qua công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội trong trường học, từng bước củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ…
Lan tỏa thông tin tích cực
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo – Đối ngoại, Thành đoàn TPHCM, kết quả khảo sát trên hơn 2.000 đoàn viên, sinh viên của Thành đoàn (năm 2022) cho thấy, thời gian trung bình đoàn viên, sinh viên sử dụng trên mạng xã hội đứng đầu là Facebook – với 2,54 giờ/ngày, tiếp đến là Zalo: 2,47 giờ/ngày, YouTube: 1,63 giờ/ngày, TikTok: 1,49 giờ/ngày.
Từ đó, Đoàn TNCS TPHCM xem không gian mạng hiện nay là một “mặt trận” quan trọng của thanh niên và đã tạo ra những hoạt động thanh niên trên không gian mạng để triển khai nhiều hoạt động, như: tình nguyện trực tuyến để lan tỏa những giá trị hình mẫu thanh niên thành phố và văn hóa tình nguyện, ứng dụng công nghệ phát sóng trực tiếp trên các trang cộng đồng để tổ chức học tập các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp…
Trong khi đó, về giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở khối trường đại học tư, TS Hoàng Thùy Linh, giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang, cho rằng: hiện nay, khi giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu, thầy độc quyền đánh giá… nên chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học với nền lý thuyết khô khan, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Để khắc phục thực trạng trên, với khối trường ngoài công lập, cần chú trọng nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy để môn học trở nên thú vị, hấp dẫn và gần gũi hơn với người học.
Theo ThS Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh, sinh viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với sự tác động phong phú, đa chiều của các luồng thông tin, văn hóa, lối sống…, thanh niên dễ có nhận thức lệch lạc về nhiều vấn đề của đất nước, của xã hội. Do đó, việc tiếp tục giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, thuyết phục hơn trong nhà trường càng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết: “Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 tham luận cùng với những cách làm, kinh nghiệm cũng như ý kiến đóng góp được trao đổi, chia sẻ trực tiếp về tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Trong đó có thể thấy, các cơ sở giáo dục đã luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên cả ở không gian thực và không gian mạng. Thời gian tới, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy những cách làm hay, lan tỏa những phương pháp giáo dục tích cực. Cùng với đó, đội ngũ lãnh đạo các cơ sở phải tiên phong, làm gương cho thế hệ trẻ noi theo”.