Trời ơi, ăn trộm bây giờ ngang nhiên thấy ghê. Trong lúc vào nhà, đi ngang qua căn phòng tập thể dục có gắn kính bốn bức tường của cô con dâu, hắn còn đứng lại soi gương, đưa tay nặn mụn rồi mới đi tiếp. May sao lúc vừa qua cửa phòng tập, hắn sơ ý máng vào ít dụng cụ thể dục làm rơi, gây tiếng ồn. Khi ấy, con Mực nhà ông Tư mới bị đánh thức, sủa inh ỏi khiến hắn ta cũng bất ngờ, liền chạy ngược trở lại để thoát thân.
Nhưng người nhà được một phen kinh sợ. Xem lại camera mà mỗi người thả hồn suy diễn theo mỗi kiểu. Rồi tự hù mình. Nhớ lại mấy vụ cướp nhập nha mà báo chí đăng, mới thấy trong giấc ngủ, người ta đâu thể giữ được sinh mạng mình.
Lần này, Trâm – đứa con dâu của ông Tư – phản ứng gay gắt nhất. Trong bữa cơm, cô hằn học đút cơm mà như nhồi vào miệng con. Đợi cho chồng khơi chuyện ăn trộm đêm qua, Trâm liền lên tiếng ngay: “Ba xem, cổng nhà mình cứ như điểm lưu trú. Buổi trưa nào cũng tấp nập người. Hết thợ hồ bưng cơm hộp ngồi ăn trưa đến bà ve chai nghỉ chân. Có người còn kê mảnh chiếu nằm ngủ tự nhiên như nhà mình. Ý con là… trong số đó, biết ai lành, ai dữ. Nhiều khi kẻ nào đó giả dạng vậy để dòm ngó đường đi nước bước nhà mình thì sao? Hay là mình cưa gốc giấy đi cho rồi, ba?”.
Ông Tư trầm ngâm. Ít khi có lời đề nghị nào của con cái mà ông đồng ý hay chối từ ngay. Ông chỉ ghi nhận đó, rồi sẽ trả lời vào một dịp khác. Mà “dịp khác” của ông Tư có thể là vài ngày hay vài tháng cũng nên. Trâm là đứa nóng tính và chẳng kiên nhẫn với bất cứ ai. Cô cũng biết tính ba chồng khó mà chấp nhận ngay lời đề nghị này. Bức bối, nhưng cô chẳng biết xả đi đâu, bèn quay qua quát bé Na: “Ăn nhanh đi, có mỗi miếng cơm mà ngồi cả buổi!”.
Ông Tư ít tỏ ra vui hay buồn, hài lòng hay bất mãn trước mặt con cái. Ông vẫn bình thản ăn cơm cho xong bữa, dùng vài miếng trái cây tráng miệng rồi mới trở lên phòng.
Lúc quay lưng đi, ông còn nghe giọng Tú nói với vợ: “Chứ không phải tại con mực già nua, chậm chạp không biết giữ nhà hả?”. Biết chồng nói mỉa mình, Trâm hằn học nhưng không màng nói lại.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Lần trước, nhà cũng bị trộm lẻn vào, nhưng chỉ là trộm vặt ban ngày. Hôm ấy, nhằm lúc Trâm chốt cửa trong nhưng sao đó nó lại bật ra. Một tên nhóc thừa cơ hội lẻn vào. Chắc nó cũng chỉ chú ý mấy chiếc xe đồ chơi của cháu nội ông Tư để ở góc sân thôi. Trong lúc bàn tay nó vừa chạm vào món đồ chơi của bé Na thì bị Trâm bắt gặp. Trâm la làng lên, rồi níu lấy nó. Thằng nhỏ người nhẫy nhụa mồ hôi nên trơn trượt ra khỏi bàn tay Trâm, chạy vụt đi.
Buổi trưa đó, Trâm nói với ông Tư: “Con mực nhà mình già rồi hay sao đó ba. Người lạ lẻn vào nhà mà nó chẳng thèm sủa nữa”. Lúc đó, con mực như nghe được, nó nhìn ông Tư với ánh mắt nhận lỗi. Ông Tư vẫn im lặng ăn cơm. Gần hết bữa cơm, Trâm mạnh dạn đề nghị: “Mình nuôi con chó giữ nhà khác đi ba. Giờ nhiều loại chó thông minh lắm. Nếu ba đồng ý, để con tìm cho”. Nhưng ông Tư chỉ im lặng. Sự im lặng của ông lần này là từ chối chứ không phải cân nhắc gì. Thái độ của ông khiến Trâm hằn học thêm với cả con mực trong nhà.
Một buổi chiều, trong lúc mải chơi, bé Na trượt chân té xuống bậc thềm nhà. Trâm đứng ngay đó nhưng không kịp đỡ con. May sao, con mực kịp thời chạy đến. Nó dùng tấm lưng to bè của mình đỡ lấy bé Na. Lớp lông của nó dài và dày như nệm, nhờ vậy mà bé Na tiếp đất không để lại một vết trầy xước nào. Khi ấy, ông Tư cũng từ ngoài cổng về, chứng kiến toàn bộ sự việc.
Trâm chạy lại ôm bé Na, lo lắng xoa khắp người, hỏi con có đau chỗ nào không. Rồi Trâm nhìn qua con mực với ánh mắt biết ơn. Nhưng lúc đó con mực đang mải vẫy đuôi mừng ông Tư về nên nó chẳng để ý.
Con mực theo ông Tư lên phòng. Bữa ấy, thể nào nó cũng được ông đãi một món ngon gì đó.
***
Chỉ có Trâm mới về làm dâu là không biết tính ông Tư, chứ ai sống lâu với ông cũng đều biết. Với ông, mọi thứ trong nhà đều được giữ lại, dù là đồ vật hay con vật, kể cả cây cối trong nhà. Có những loại cây hết tuổi thọ, tự rụi tàn rồi thân khô thành tro, chứ ông Tư không bao giờ cắt ngang một loài cây đang còn nhựa sống nào. Ông bảo, mọi đồ vật trong nhà đều có linh hồn, chứ đừng nói gì là con vật hay loài thực vật.
Vậy nên, lời đề nghị của Trâm lần này khiến ông rất khó chịu. Dù chính mắt ông xem lại camera thấy tên trộm trèo vào cổng từ cành giấy cổ thụ đó. Chồng Trâm thì chỉ nói nhẹ tênh rằng anh đã báo công an khu vực và họ bảo sẽ để ý…
Sự dửng dưng của mọi người khiến Trâm càng khó chịu. Cô đứng ngồi không yên. Mà càng nhấp nhổm, Trâm càng không nghĩ được gì cho thấu đáo. Những toan tính lần lượt hiện lên trong đầu Trâm. Nhất định là phải có cách nào đó…
Buổi tối, Tú báo với Trâm cuối tuần này chở ba đi thăm mấy người bạn già của ông ở Đồng Nai. Tội nghiệp, mới năm ngoái mấy chú còn lên thăm ba mà giờ chân tay yếu, mắt mũi kèm nhèm hết cả…
***
Sáng thứ bảy. Đợi lúc hai cha con Tú vừa đi, Trâm gọi thợ đến đốn cây hoa giấy. Họ nói nếu bứng gốc thì bán được tiền triệu, trừ công bứng cũng còn vài trăm, nhưng mất thời gian hơn cưa ngang gốc. Trâm nghe vậy, muốn làm mọi thứ nhanh gọn nên chọn cưa gốc.
Trong lúc lưỡi máy cưa chạm vào gốc giấy, Trâm thấy có điều gì đó bất ổn nhói lên trong tim mình. Rồi Trâm tự trấn an, không sao cả, cô đâu làm gì sai, cũng không vụ lợi gì trong chuyện này. Chưa kể, nếu hành động này mà cản trở được ý đồ trèo qua cổng để vào nhà của mấy tên ăn trộm, chẳng phải cô đã lập công lớn đó sao?
Nghĩ vậy nên Trâm không lăn tăn gì nữa. Lạ là khi tiếng cưa rít lên đến đâu, con mực tru lên đến đó. Thợ cưa ái ngại hỏi Trâm có cưa tiếp không? Lòng Trâm khi ấy cũng có chút chùng lại, nhưng một con người khác trỗi dậy trong cô. Nó bảo, lời nói của Trâm chẳng có miligam trọng lượng nào trong căn nhà này, việc gì phải tôn trọng ai… Tiếng cưa hình như nghe không còn ai oán nữa, mà hết sức hả hê.
Tú chở ông Tư về trong buổi chiều cùng ngày. Khi ấy, gốc giấy to xù xì vừa được chiếc xe ba gác chở đi. Dưới lề đường, hoa với lá rụng dày thành thảm, đỏ ối dưới cái nắng hoàng hôn còn sót lại…
Tú sững sờ hơn cả ông Tư. Mặt anh tái mét, đứng chôn chân, đầu óc quay cuồng hỗn loạn. Ông Tư cũng khựng lại mất vài giây, rồi bình thản bước qua thảm hoa giấy. Tú còn thấy ông Tư cố tránh không để giày giẫm phải hoa. Hình ảnh đó khiến anh đau quặn lòng.
Khi vừa đi qua thảm hoa giấy, nghĩ sao đó ông Tư quay lại nhìn Tú. Lúc đó mặt anh nhăn nhó một cách khổ sở. Ông Tư buông một câu: “Bỏ đi, vật ngoài thân cả thôi mà!”. Sự thấu hiểu của ba lúc này càng khiến Tú khổ tâm hơn.
Suốt những ngày sau đó, mâm cơm nhà ông Tư không đủ người, khi có Tú thì thiếu Trâm. Ông Tư đã lờ mờ đoán ra sự việc. Cho đến một buổi tối, sau tiếng đóng cổng rất mạnh, từ trên tầng lầu, ông Tư nhìn thấy Trâm rời đi. Cánh cổng thiếu giàn hoa giấy thành ra trống hoác, mọi thứ phơi bày, trơ trọi. Dáng Trâm đổ dài theo ánh đèn đường vàng vọt.
***
Một buổi sáng, Tú đưa bé Na đến trường. Trong lúc đợi ba ở cổng, bé Na đến nơi gốc cây hoa giấy. Lúc này, những cành cây đâm chồi từ gốc đã bắt đầu cho những sắc hoa tươi tắn ở mỗi kẽ lá. Bé Na bất chợt hỏi ba: “Có phải mẹ sắp về đúng không ba?”. Tú ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con lại nói vậy?”. Na chỉ cành giấy lúc này đã cao hơn khỏi đầu mình, giọng con bé năm tuổi trong veo: “Ông nội nói chừng nào cây giấy trổ hoa, mẹ sẽ trở về”.
Tú bối rối nhìn con rồi nhìn những cánh hoa giấy khẽ rung rinh trong làn gió buổi ban mai. Lần đầu tiên Tú nhìn thật kỹ những bông hoa giấy. Hình như chưa bao giờ chúng thôi rực rỡ? Anh nhận ra, cả những dấu xưa nơi này cũng không hề phôi pha.
Tú hình dung một ngày không xa, Trâm sẽ đến, đưa tay bấm chuông cửa và không quên ngắm nhìn những chùm hoa giấy đong đưa trong gió…