- Kiện toàn chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vận động doanh nghiệp hỗ trợ người dân vùng lũ Mù Cang Chải
- Đại tá Nguyễn Thành Lợi làm Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM
Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” do Quỹ Botnar, Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu và Quỹ Liên đoàn Ô tô Quốc tế tài trợ hướng tới cải thiện sự an toàn của học sinh trên đường tới trường. Được triển khai từ năm 2018, sau năm năm thực hiện, dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” đã mang đến lợi ích trực tiếp cho 130.492 người và 16.189.096 người hưởng lợi gián tiếp.
Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” khuyến khích các em học sinh và gia đình sử dụng phương tiện giao thông bền vững, hướng tới phát triển thành phố xanh, sạch, lành mạnh. Dự án cũng thúc đẩy các hình thức giao thông an toàn và bền vững nhằm hưởng ứng nội dung của chương trình nghị sự toàn cầu của Mục tiêu phát triển bền vững và Suy nghĩ lại về phương thức di chuyển. Điểm quan trọng là các mô hình được thực hiện ở thành phố Pleiku có thể được nhân rộng trên cả nước cũng như toàn cầu nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên thế giới.
“Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” đạt được sự công nhận toàn cầu khi giải quyết các thách thức về an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Pleiku và thúc đẩy các biện pháp can thiệp thực tế và sáng tạo dựa trên các bằng chứng thông qua cải tạo an toàn khu vực trường học. Đồng thời, khuyến khích giao thông bền vững và ủng hộ sự đóng góp đầy ý nghĩa của thanh thiếu niên” – Ông Kim Beng Lua, cán bộ cấp cao của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu chia sẻ.
Từ việc thí điểm cải tạo tại hai trường học ở thành phố Pleiku ban đầu, dự án đã mở rộng quy mô cải tạo cho 31 trường tiểu học trên địa bàn thành phố, trong đó 71% số trường được chứng nhận 5 sao theo công cụ Đánh giá xếp hạng sao trường học do Chương trình đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP) phát triển. Từ kết quả của dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn”, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản quy định về tốc độ khi đi qua khu vực trường học là 30km/h đối với đường trong thành phố và 40km/h đối với đường quốc lộ, đồng thời chỉ đạo thành phố Pleiku phân bổ nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho cải tạo đường trong khu vực trường học.
Văn bản pháp lý này là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khu vực trường học an toàn tại Việt Nam cũng như thể hiện cam kết ngày càng cao của chính phủ trong việc bảo vệ trẻ em trên đường đến trường, đồng thời tạo tiền đề để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu cho khu vực trường học an toàn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã lên kế hoạch cải tạo 56 trường học trên các tuyến đường tỉnh lộ và hiện đã hoàn thành cải tạo khu vực trường học của 12 trường.
Các hoạt động ở thành phố Pleiku đã tạo nên một mô hình có thể được nhân rộng trên cả nước và toàn cầu. Các công cụ thu thập dữ liệu dựa trên các bằng chứng như Đánh giá Xếp hạng sao trường học do iRAP phát triển được sử dụng để nâng cao năng lực tại địa phương, qua đó thúc đẩy hợp tác công – tư, trong các hoạt động nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực đầu tư vào an toàn giao thông đường bộ của các chính phủ.
Phương pháp tiếp cận toàn diện của dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho thanh thiếu niên tại Việt Nam trên hành trình đến trường và xây dựng tương lai của chính mình. Tiếp nối các thành công của dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn”, Quỹ AIP và các đối tác chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực nhân rộng mô hình khu trường học an toàn trên phạm vi toàn quốc.