Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại… Do đó việc tiếp tục giảm 20% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 đối với một số nhóm mặt hàng có thuế suất 10% là cần thiết.
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính khi đưa ra lấy ý kiến góp ý tờ trình đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm 20% thuế VAT (từ 10% xuống còn 8%), thực hiện theo chỉ đạo tại nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên theo nhiều người dân và doanh nghiệp, nên xem xét giảm 20% thuế VAT cho cả năm 2025, thay vì chỉ trong 6 tháng, do tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và sức mua chưa được cải thiện nhiều.
Nên giảm thuế VAT cho cả năm 2025?
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân và doanh nghiệp đều đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi cho rằng không chỉ doanh nghiệp gặp khó do sức mua kém mà đời sống của nhiều người làm công ăn lương đang gặp vô vàn khó khăn vì thu nhập giảm sâu, trong khi giá cả hàng hóa đều tăng cao.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều cho rằng nên giảm 20% thuế VAT cho cả năm 2025 để kích thích sức mua, thay vì chỉ kéo dài đến giữa năm 2025 như đề xuất.
Chị L.T.T. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng cao như học phí, giá cước xe buýt ở Hà Nội cho học sinh, sinh viên tăng từ 100.000 lên 140.000 đồng/tháng. Ngay cả gạo tẻ cũng tăng lên 20.000 – 22.000 đồng/kg, trong khi ba năm trước chỉ 15.000 đồng… Trong khi đó, thu nhập của nhiều người làm công ăn lương như chị đều giảm sút mạnh so với trước dịch Covid-19, thậm chí nhiều nơi giảm từ 30 – 40% thu nhập.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn do sức cầu giảm, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, nhất là các đơn vị kinh doanh hàng hóa dịch vụ… Do đó việc kéo dài giảm thuế VAT đến hết năm 2025 không chỉ người dân đỡ khó khăn mà các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi sức mua được cải thiện hơn…”, chị L.T.T. nói.
Cũng đề xuất kéo dài giảm thuế VAT đến hết năm 2025 nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, anh H.M.K., chủ một doanh nghiệp ở Hải Phòng, cho hay nhiều nước đang áp dụng các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Chẳng hạn tại các siêu thị của Hàn Quốc, khách nước ngoài không chỉ hoàn thuế VAT mà còn được tặng phiếu mua hàng trị giá khoảng 200.000 – 300.000 đồng/ngày/người khi mua hàng nội địa của quốc gia này.
“Do đó, để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT là cần thiết trong bối cảnh sức mua toàn cầu vẫn rất thấp, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, anh H.M.K. khẳng định.
Kéo dài giảm thuế, được nhiều hơn mất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, đề nghị nên kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2025 bởi chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực khi được áp dụng trong những năm vừa qua.
“Như Bộ Tài chính ghi nhận chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022 đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20% so với năm 2021”, ông Tú khẳng định.
Trong khi đó theo ông Tú, việc giảm thuế không làm giảm thu ngân sách mà ngược lại ngân sách tăng thu. Thực tế cho thấy đến hết 10 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách đã đạt 1,654 triệu tỉ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy ý nghĩa của chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có giảm thuế VAT từ năm 2022 đến nay.
“Việc giảm 20% thuế VAT giúp giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng rẻ hơn. Đơn cử hàng có giá 1 triệu đồng, khi mức thuế VAT là 10% thuế , tổng số tiền phải trả là 1.100.000 đồng. Nhưng nhờ được giảm thuế còn 8% nên số tiền mà người mua chỉ phải trả cho món hàng đó là 1.080.000 đồng. Với số tiền dư ra nhờ được giảm thuế, người dân lại mua thêm hàng. Và khi tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tăng doanh thu, qua đó đóng góp cho ngân sách nhiều hơn”, ông Tú phân tích.
Một chuyên gia thuế khác cũng cho rằng ngoài việc kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2025, chính sách này nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng có thuế suất 10% chứ không loại trừ một số nhóm như kinh doanh bất động sản, ngân hàng…
“Việc giảm 2% thuế VAT từ năm 2022 đến nay cho thấy hiệu quả của chính sách rồi, nên tới đây chỉ việc thực thi thôi. Những mặt hàng có thuế suất VAT 5% thì nâng lên 8% và những mặt hàng có thuế suất 10% thì đưa xuống 8%” – vị này gợi ý.
Giảm thuế VAT, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh
Theo thông tin tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho biết trong năm 2022 chính sách giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51.400 tỉ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.
Trong năm 2023, việc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23.400 tỉ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Cũng với chính sách này, số thuế VAT được giảm trong cả năm ước khoảng 49.000 tỉ đồng nhưng thu ngân sách vẫn đạt được kết quả khá tốt.
“Chính sách giảm 2% thuế VAT một số nhóm hàng hóa đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động” – Bộ Tài chính đánh giá.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh:
Cần nghiên cứu thêm chính sách kích cầu tiêu dùng
Trong bối cảnh cầu chung của thế giới vẫn suy giảm, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn chậm và vẫn còn rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy việc đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT thêm 6 tháng 2025 là cần thiết. Tuy nhiên theo tôi, Chính phủ có thể đánh giá bối cảnh nền kinh tế, thu chi ngân sách để xem xét báo cáo Quốc hội giảm 2% thuế VAT cho cả năm 2025 thay vì 6 tháng như đề xuất.
Hơn nữa việc tiếp tục giảm cả năm sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hạch toán được thuận lợi. Ngoài ra, Chính phủ có thể nghiên cứu thêm các chính sách khác để kích thích tiêu dùng trong nước.
Dù cả năm 2024 giảm 2% thuế VAT, ước tính khoảng 49.000 tỉ đồng, nhưng thu ngân sách vẫn đạt được kết quả tốt. Tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, cả năm ước đạt 6,8 – 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 – 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giam-thue-vat-tang-kich-cau-tieu-dung-20241122083403771.htm