Chiều 2/11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.
Tham gia nêu ý kiến, ĐBQH Võ Mạnh Sơn – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa nhất trí về quy định sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.
Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu.
“Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai”, đại biểu Sơn nêu ý kiến.
Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
Đối với việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng quy định như vậy tạo cho những người lớn tuổi tham gia muộn trong đóng BHXH hoặc quá trình tham gia không liên tục để hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về cách tính lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH. Theo ông, việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương thấp.
Ông Hải lý giải, vì giảm mức đóng thấp xuống thì đương nhiên sẽ kéo theo hưởng lương khi về hưu thấp lại. Nhất là những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập của họ rất thấp. Nên khi đến tuổi về hưu thì lương sẽ càng thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Điều này, lại không khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, không đảm bảo được chính sách phủ hết mọi người dân đều đóng BHXH.
Việc hạ năm đóng BHXH nhưng tuổi nghỉ hưu lại tăng lên, ông Hải cho rằng như vậy không phù hợp. Sẽ có nhiều người lao động khi họ nghỉ giữa chừng sau đó quay lại đóng thì lương sẽ giảm, nên khó khuyến khích trong vấn đề này.
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng điều này là phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW.
“Thực ra, theo nguyên tắc thì đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên 10, 15 hay 20 năm đều có cơ sở. Tôi đồng ý với dự thảo luật về nội dung này. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH với điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Hơn nữa, quy định này là cũng nhằm giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Gia tăng số người được hưởng lương hưu
Trước đó, trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.
Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.