Trong công văn gửi Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiểu học cần đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp như quy định tại điều lệ trường tiểu học.
Là một trong những quận tỷ lệ học sinh đông nhất nhì Hà Nội, cô Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông) đánh giá, đây là yêu cầu sát với nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên với những địa phương có dân số cơ học tăng cao, đặc biệt là Hà Nội vấn đề này rất khó giải quyết.
Đơn cử như ở trường Tiểu học Lê Quý Đôn, những năm gần đây, sĩ số lớp luôn dao động từ 40-50 học sinh/lớp. Sĩ số đông gây khó khăn cho giáo viên trong việc dạy và kèm cặp học sinh.
“Việc giảm sĩ số xuống 35 học sinh/lớp sẽ tạo cho trẻ môi trường học tập thoải mái, được quan tâm sát sao hơn. Đây là điều mà cả nhà trường lẫn phụ huynh đều mong muốn, nhưng để thực hiện được ở Hà Nội là không dễ, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, cô Mai nói.
Theo nữ hiệu trưởng, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông đều trong tình trạng quá tải do lượng người đến mua nhà, ở và sinh sống tại các khu chung cư ngày càng đông. Người dân cư trú trên địa bàn phường, nhà trường phải nhận học sinh vào học bởi các em có quyền lợi ngang nhau.
Cô Mai đánh giá, khi phòng học có hạn, giáo viên không tăng, việc bố trí không quá 35 học sinh/lớp ngay trong năm học mới là không khả thi mà cần có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện. Nếu đột ngột giảm từ 50 em xuống còn 35 em/lớp, vậy số còn lại sẽ học ở đâu, học ra sao, cần tính toán đến yếu tố đặc thù.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, Hà Đông là địa phương chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở các khu đô thị mới đông dân cư nhưng không đủ trường, lớp học. Điển hình như khu đô thị Thanh Hà theo phân tuyến tuyển sinh thuộc huyện Thanh Oai, nhưng do không có trường học dẫn đến tình trạng trẻ ‘’tràn” sang quận Hà Đông.
“Theo kế hoạch tuyển sinh, cần đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có trường học trên địa bàn quận phải nhận hơn 55 em/lớp”, bà Hằng nói và nhấn mạnh, 35 học sinh/lớp là điều mong muốn của các cấp lãnh đạo cũng như của nhiều trường, không chỉ ở Hà Nội mà mọi địa phương đều phấn đấu để đạt mục tiêu này, nhưng thực hiện được là rất khó.
Bà Hằng mong thành phố có thể dành thêm quỹ đất cho giáo dục để đạt sĩ số lý tưởng như theo quy định, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển để tháo gỡ áp lực sĩ số cho trường công.
Trước đó, phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND quận Hà Đông đầu tư xây dựng thêm trường mới. Quận cũng chỉ đạo chuyển đổi mục đích một số quỹ đất dành cho giáo dục để xây dựng trường học. Việc phân tuyến tuyển sinh hợp lý ở các phường trực thuộc, cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển được lãnh đạo quận Hà Đông quán triệt mạnh mẽ.
Về năm học mới 2024 – 2025, đại diện phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin, hầu hết trường tiểu học tại quận đã giảm sĩ số xuống dưới 50 học sinh/lớp. Lý do là bởi số lượng học sinh tiểu học năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái.
Không riêng quận Hà Đông, tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… nhiều lớp học cũng đang trong tình trạng quá tải. Dù nhiều năm trở lại đây, các quận đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm phòng học, tách trường, nhưng sĩ số lớp học giảm chưa đáng kể.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho rằng, tại các trường tiểu học công trên địa bàn quận, sĩ số dao động trong khoảng 48 học sinh/lớp, bình quân tăng khoảng 5.000 học sinh mỗi năm.
“Năm 2024, quận Nam Từ Liêm triển khai xây dựng 4 trường học mới, gồm 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường trung học cơ sở. Đồng thời nâng cấp, sửa chữa, xây thêm phòng học cho 11 trường ở các cấp học nhằm giảm áp lực về trường lớp, nhưng vẫn không thể đảm bảo sĩ số như yêu cầu của Bộ GD&ĐT”, bà Tâm nói.
Theo vị này, quy định mỗi lớp 35 học sinh sẽ giúp giảm tải áp lực đứng lớp cho giáo viên. Tuy nhiên, con số này có thể thực hiện tại những vùng nông thôn, vùng núi, nơi có dân số thưa, ít học sinh. Tại thành phố lớn như Hà Nội, yêu cầu này là khó khả quan khi quỹ đất có hạn, dân cư ngày càng tăng cao.
Theo Bộ GD&ĐT, năm học trước, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn xảy ra hiện tượng quá tải sĩ số, có nơi xếp gần 50 em/lớp học, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Do vậy, để ngăn tình trạng vượt quá sĩ số/lớp, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/ tuần với 32 tiết/tuần. Kế hoạch phải đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ.
Năm học 2024 – 2025, học sinh Hà Nội, TP.HCM tăng mạnh
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 – 2025, học sinh đầu cấp của Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 so với năm học trước. TP dự kiến xây thêm 30 – 40 trường mới để đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh các cấp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, dự kiến năm học 2024 – 2025 toàn thành phố tăng 24.097 học sinh, gồm 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập, trong đó, bậc THPT tăng cao nhất với 16.999 học sinh.
Hiện, địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp – điều này làm hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Để đáp ứng đủ chỗ học, dự kiến trước thềm năm học 2024 – 2025 sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới, trong đó, số phòng học tăng thêm là 412 phòng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/giam-si-so-tu-50-xuong-con-35-em-lop-so-hoc-sinh-con-lai-hoc-o-dau-ar888079.html