Sáng 20/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Giám sát tập trung vào 4 nội dung
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát gồm 6 phần, xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát; tiến độ triển khai thực hiện và việc tổ chức thực hiện.
Đoàn Giám sát đề xuất phạm vi nội dung giám sát tập trung hai nhóm vấn đề cơ bản: phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giám sát tập trung vào 4 nội dung chính: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội
Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao
Cùng với đó đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Đối tượng giám sát bao gồm Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đoàn giám sát dự kiến tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương.
Phạm vi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31-12-2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).
Dự kiến, tại phiên họp tháng 8/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề.
Rõ trách nhiệm, tránh “cưỡi ngựa xem hoa”
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đoàn giám sát phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, nhà nước đã ban hành, đã thực hiện; nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện; xác định những vấn đề dư luận xã hội nhân dân quan tâm trong chuyên đề giám sát… để từ đó có được bức tranh tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước hiện nay, đánh giá rõ quy mô chất lượng cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan của đất nước hiện nay trong khu vực và thế giới.
“Giám sát nhiều, đi thực tế nhiều nhưng cuối cùng sản phẩm giám sát phải kiến nghị chỉ ra cơ quan nào, ngành nào thực hiện, chưa thực hiện. Mỗi thành viên đoàn giám sát phải trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đoàn giám sát có việc mời chuyên gia và các ý kiến có thể dùng để tham vấn. Nhưng nếu thuê chuyên gia thì họ chịu trách nhiệm về kiến nghị của mình, nhất là nhiều đại biểu tuy đã nghỉ nhưng có kinh nghiệm, trí tuệ còn minh mẫn.
Lưu ý 63 địa phương đều có báo cáo rồi nên có thể lựa chọn đi thực tế ở một số địa phương, ông Trần Quang Phương nêu quan điểm không nhất thiết đi địa phương nhiều thế, tránh “cưỡi ngựa xem hoa”.
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/giam-sat-ve-phat-trien-va-su-dung-nguon-nhan-luc-phai-ro-trach-nhiem-post1115559.vov