Để nắm chắc tình hình thực tiễn của địa phương, phục vụ cho hoạt động giám sát, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND các cấp luôn chú ý lắng nghe ý kiến của cử tri. Thông qua nhiều “kênh” khác nhau, cơ quan dân cử và những người đại biểu dân cử đã kịp thời nắm bắt những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống xã hội; từ đó có cơ sở để giám sát và đi đến giải quyết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Lắng nghe qua nhiều kênh…
Gần 1 năm kể từ ngày bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) xảy ra vụ sạt lở đất, đợt giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi mới có dịp quay lại nơi đây để nắm bắt tình hình đời sống của người dân. Dù chưa được bố trí đến điểm tái định cư mới, song các hộ trong vùng nguy hiểm đã được hỗ trợ di chuyển đến vị trí an toàn hơn. Thời gian trôi qua nhưng nỗi đau mất con vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của ông Thào A Vê – bố của nạn nhân Thào Minh Cường (SN 2015) thiệt mạng trong vụ sạt lở đất tại Km119+900, đoạn qua bản Huổi Toóng 2. Chưa thể quên đi nỗi đau mất con nhưng đến nay, toàn bộ các thành viên trong gia đình đã được chuyển đến nơi ở mới, an toàn hơn nên ông Vê cũng yên tâm phần nào. Để có được cuộc sống như thế này, ông Vê cũng không bao giờ quên sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đặc biệt là ngày 28/5/2022, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam đưa tin có nội dung: “Nhiều năm nay, người dân ở bản Huổi Toóng 1, Huổi Toóng 2 (xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) được cảnh báo là cần phải di dời vì khu vực này nằm trong vùng sạt trượt nguy hiểm”. Và chỉ sau đó 1 ngày, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Mường Chà đã tổ chức giám sát nội dung phản ánh của Báo chí phản ánh. Nhờ vậy, việc di chuyển của gia đình ông Vê cũng như một số hộ dân khác trong vùng nguy hiểm cũng thuận lợi hơn để đến nơi an toàn.
Ông Vê chia sẻ: “Dân bản mình sống trong vùng nguy hiểm, tai họa thiên tai cũng sợ lắm nhưng không biết kêu ai giúp đỡ được. Nhờ có các nhà báo nói giúp và Đại biểu HĐND trực tiếp đến kiểm tra, giám sát để tuyên truyền mà bà con dân bản đã nâng cao cảnh giác phòng, chống thiên tai, sạt lở… nhất là khi mùa mưa lũ sắp đến. Cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và địa phương, đến nay, hầu hết các hộ gia đình đã được di chuyển đến nơi ở tạm an toàn”.
Thời điểm đó, với vai trò là Trưởng đoàn giám sát, bà Lò Thị Bích, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tổ trưởng Tổ đại biểu huyện Mường Chà cũng nhấn mạnh: Kênh thông tin của các cơ quan báo chí có ý nghĩa hết sức quan trọng để các đại biểu HĐND nắm bắt các thông tin. Thông qua báo chí, chúng tôi đã tiến hành giám sát, khảo sát thực tế và nhận thấy thực tế 51 hộ gia đình bản Huổi Toóng 1 (28 hộ), bản Huổi Toóng 2 (23 hộ), xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà thời điểm đó nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao. Vì vậy, với tính chất cần thiết, cấp bách của dự án; nhằm đảm bảo an toàn, kịp thời cho người dân, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, cân đối các nguồn vốn để bố trí kinh phí và chỉ đạo UBND huyện Mường Chà khẩn trương thực hiện di chuyển 51 hộ gia đình đến nơi ở mới. Đồng thời đề nghị HĐND huyện tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các dự án do UBND huyện Mường Chà làm chủ đầu tư; đặc biệt là dự án di chuyển dân bản Huổi Toóng 1, 2, xã Huổi Lèng ra khỏi vùng thiên tai. Tăng cường vai trò của người đại biểu dân cử trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân trên địa bàn; theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, của các cơ quan chức năng đối với những kiến nghị của cử tri trên địa bàn huyện.
Ngoài việc nắm bắt thông tin qua báo chí, để tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của cử tri, HĐND các cấp còn tiếp nhận thông tin từ các kênh thông tin khác nhau như: Tiếp xúc cử tri, qua ý kiến của các đại biểu HĐND, nhân dân qua tiếp dân hay trực tiếp nắm bắt thông tin, phản ánh từ cơ sở; thậm chí cả những trang mạng xã hội… Đó là cơ sở để nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra giám sát gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Từ đó kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của cử tri.
… để giám sát hiệu quả
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân và tập trung giám sát giải quyết tốt ý kiến, kiến nghị của cử tri là yếu tố quan trọng giúp cử tri đặt niềm tin nhiều hơn vào vai trò của người đại biểu dân cử. Vậy nên để nâng cao hiệu quả giám sát, căn cứ vào chương trình hoạt động, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, hàng năm HĐND các cấp đã xây dựng kế hoạch, xác định rõ thời gian, nội dung giám sát của từng chuyên đề. Trong giám sát chuyên đề, khi nhận được báo cáo của các cơ quan, đơn vị được giám sát (báo cáo theo kế hoạch, đề cương của Đoàn giám sát) gửi đến, Đoàn giám sát có thể lựa chọn một số vấn đề đi giám sát thực tế, lắng nghe ý kiến cử tri để nắm thêm thông tin. Sau đó mới làm việc với các cơ quan, đơn vị được giám sát và các cơ quan liên quan.
Đơn cử như thời gian qua, trên địa bàn huyện Điện Biên triển khai thực hiện Dự án đoạn đường tránh sân bay nối từ đường đi xã Thanh Hưng và đường đi xã Thanh Luông thuộc Dự án Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là vấn đề “nóng” được nhiều cử tri quan tâm. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Dự án, HĐND huyện đã đồng hành cùng với chính quyền trong việc đối thoại, tuyên truyền vận động để nhân dân đồng thuận ủng hộ chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án, đồng thuận với chế độ, chính sách của Nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hoàn thiện bàn giao mặt bằng sớm để thực hiện thi công dự án. Đồng thời, thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đại biểu HĐND huyện đã tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh Điện Biên nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung để nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được tỉnh giao.
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên cho biết: Khi thực hiện các hoạt động giám sát, HĐND huyện đã áp dụng nhiều hình thức, như: Giám sát tại các kỳ họp qua hoạt động chất vấn, thẩm tra các báo cáo và giám sát giữa 02 kỳ họp, đồng thời tiến hành giám sát thực tế để kịp thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Chính nhờ việc đi thực tế trước nên Đoàn giám sát có được những thông tin chính xác, cụ thể, thuận tiện trong buổi làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị được giám sát cũng như các cơ quan liên quan. Qua hoạt động giám sát, khảo sát, HĐND đã phát hiện và lựa chọn những vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của huyện để chuyển thành câu hỏi chất vấn đối với thủ trưởng các cơ quan liên quan tại kỳ họp. Từ đó, tại các kỳ họp HĐND huyện, có rất nhiều câu chất vấn xuất phát sau các đợt giám sát, khảo sát như: chất vấn về vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, nông nghiệp, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, quản lý đất đai… và nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND huyện, được đa số ý kiến cử tri đồng tình, ủng hộ.
Cùng với tăng cường hoạt động giám sát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND các cấp và các đại biểu dân cử đã tập trung lắng nghe ý kiến cử tri, sâu sát cơ cở và trực tiếp xuống tận các thôn, bản lắng nghe ý kiến cử tri là một trong những sự đổi mới mang lại tín hiệu tích cực trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, vai trò trách nhiệm của đại biểu HĐND, các cấp HĐND đã được phát huy nhằm giải quyết đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Bài 2: Tổ đại biểu HĐND – Cầu nối trực tiếp với cử tri