Ngày 26-1, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) thông báo đang giám sát các khoản đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google và Amazon vào các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh OpenAI và Anthropic.
Ngừa cạnh tranh bẩn
Đây là một phần trong nỗ lực của cơ quan quản lý Mỹ nhằm đảmbảo các quy định bắt kịp với sự phát triển của AI, ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn có hành vi cạnh tranh đoàncông nghệ lớn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép đối thủ trong lĩnh vực hứa hẹn còn nhiều thay đổi thời gian tới. Cụ thể, FTC sẽ nghiên cứu để có cái nhìn sâu hơn về xu hướng thị trường và các thông lệ kinh doanh, từ đó dựa trên kết luận rút ra để có hành động pháp lý.
Người đứng đầu ủy ban, bà Lina Khan, khẳng định nghiên cứu sẽ làm rõ hơn nữa bản chất các khoản đầu tư và hợp tác, cũng như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực AI tạo sinh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Microsoft Rima Alaily cho biết sẽ cung cấp đầy đủ thông tin mà FTC yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh hợp tác giữa các công ty độc lập như Microsoft và OpenAI là động lực thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới.
Về phần mình, Google mong FTC sẽ phát hiện ra các công ty có cách tiếp cận không thân thiện trong lĩnh vực AI.
Anthropic và Amazon từ chối bình luận về quyết định của FTC. Amazon, Microsoft và Google là những nhà cung cấp trung tâm dữ liệu điện toán đám mây lớn nhất thế giới, chuyên lưu trữ và xử lý dữ liệu quy mô lớn. Thời gian qua, ba “ông lớn” này đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ AI tạo sinh. Trong đó, khoản đầu tư trị giá 13 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI – công ty đã tạo ra chatbot ChatGPT.
Năm ngoái, Amazon và Google cũng đã đầu tư lần lượt 4 tỷ USD và 2 tỷ USD vào Anthropic – công ty được coi là đối thủ của OpenAI và có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Ngăn thâu tóm bí mật
Hồi đầu tháng 1, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã xem xét sơ bộ các khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI nhằm loại trừ khả năng họ bí mật thâu tóm và sáp nhập các công ty nhỏ hơn. Việc kiểm tra khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI chủ yếu là tiếp cận về mặt chính sách cạnh tranh, để xác định xem liệu khoản đặt cược khổng lồ của Microsoft có lớn đến mức nó thực sự tương đương với việc mua lại và trao cho công ty đa quốc gia quyền kiểm soát công ty khởi nghiệp hay không.
Với tư cách là cơ quan thực thi chính các quy tắc cạnh tranh, EC có quyền giám sát, phê duyệt và nếu cần thiết sẽ loại bỏ các hoạt động tập trung kinh doanh có thể gây tổn hại đến quan hệ kinh tế trên toàn thị trường. Nếu khoản đầu tư của Microsoft tuân theo Quy định sáp nhập của Liên minh châu Âu (EU), gã khổng lồ công nghệ sẽ phải gửi thông báo chính thức cho cơ quan điều hành. Cuộc thăm dò sẽ được áp dụng có hiệu lực hồi tố vì khoản đầu tư đang được tiến hành và có thể dẫn đến các biện pháp khắc phục.
Động thái của EU cho thấy mối lo ngại về cạnh tranh công bằng và những biến dạng thị trường tiềm ẩn phát sinh từ việc Microsoft tích hợp rộng rãi các sản phẩm của OpenAI vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Cuộc kiểm tra của EU diễn ra sau cuộc điều tra của Anh về việc liệu cán cân quyền lực giữa Microsoft và OpenAI có thay đổi hay không, có khả năng mang lại cho một bên nhiều quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng hơn đối với bên kia.
VIỆT ANH