Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Vấn đề sở hữu chéo được các đại biểu quan tâm, nêu ý kiến.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhận định, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra chậm chập, không đạt mục tiêu dự tính.
Chẳng hạn như vụ việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bung ra vào tháng 10 năm ngoái, là một hệ luỵ nặng nề nhưng tất yếu của vấn đề.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, do làm gia tăng một số rủi ro chính. Chẳng hạn như rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu).
Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.
Theo vị ĐBQH tỉnh Quảng Trị, pháp luật hiện nay đã có quy định cụ thể các trường hợp cho vay đối với cổ đông ngân hàngvà những trường hợp cấm cho vay. Nhưng khi việc giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án “sân sau” của mình.
“Do mạng lưới phức tạp trong mối quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra hiệu ứng domino không chỉ trong hoạt động ngân hàng”, đại biểu Hà Sỹ Đồng cảnh báo.
Vì vậy, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đề nghị cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc qui mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc SCB – Vạn Thịnh Phát gần đây.
Để hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống tỉ lệ còn 3%, 10% và 15%.
Nhưng theo ông Đồng, quy định này vẫn có thể bị vô hiệu hóa. Bởi để lách các quy định trên, các cổ đông sở hữu số vốn nhỏ hơn 5% vốn điều lệ lại ủy quyền cho những cá nhân tổ chức không liên quan với mình để đầu tư thêm vào ngân hàng đó.
Do vậy, ông Đồng cho rằng, cần làm rõ cơ sở của việc đề xuất tỷ lệ giảm xuống 3%, cũng như cần kèm theo lộ trình phù hợp để các cổ công hiện hữu thực hiện thoái vốn.
Cạnh đó, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với tất cả các cổ đông là tổ chức, cá nhân và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, để tăng tính minh bạch về sở hữu và đảm bảo an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, (Thừa Thiên Huế) cũng dẫn vụ việc ngân hàng SCB, phải dùng các nguồn lực hỗ trợ khó khăn để khắc phục, đảm bảo hệ thống ngân hàng.
Theo ông Nam, ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, phải đáp ứng quản trị hiện đại, công khai, minh bạch. Nhưng dự thảo luật đưa ra quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5 xuống 3%, giảm cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, một người sở hữu tỷ lệ nhỏ phần trăm tỷ lệ vốn ngân hàng nhưng có thể tiếp nhận một loạt ủy quyền của các cổ đông khác.
Vì vậy, ông Nam cho rằng cần có quy định khắc phục tình trạng này triệt để hơn.
Đại biểu Nam cũng đề cập tới tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và công ty tài chính. Thực tế có hiện tượng lách luật về tỷ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp hay lĩnh vực nào đó thông qua “vốn bật tường”, từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B.
“Quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng sở hữu chéo hay chưa?”, đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế đặt vấn đề.
Theo đại biểu, sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, nên cần biện pháp xử lý căn cơ hơn.