Trong chuyến công tác tới Hàn Quốc, Đức đã tìm thấy một đồng minh thương mại cùng chí hướng.
Giảm rủi ro khi làm đối tác kinh tế với Trung Quốc, Đức tìm thêm đồng minh ở châu Á. Trong ảnh: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck. (Nguồn: Deutschland.de) |
Hoàn thành chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày (19-23/6), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck đã yên tâm phần nào khi tìm thấy ở Hàn Quốc – “một đồng minh thương mại cùng chí hướng”. Với mục tiêu “giảm thiểu rủi ro” trong tiếp xúc thương mại với Trung Quốc, Berlin đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với nền kinh tế lớn thứ tư khu vực.
Điều đó cũng là mục tiêu mà Seoul chia sẻ – khi cả hai nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đều mong muốn mở rộng mạng lưới các đồng minh kinh tế trong bối cảnh lo ngại về cạnh tranh thương mại, trong đó có cả thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng của Mỹ.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực kinh doanh, an ninh kinh tế và khí hậu, cũng như khai thác những tiềm năng mới”, Bộ trưởng Habeck nói về sứ mệnh chuyến công tác tới Hàn Quốc trước giờ xuất hành.
Chặng Seoul diễn ra trước khi ông Habeck bay tới Trung Quốc – một đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, quốc gia đã cùng Đức đạt được trao đổi thương mại lên tới khoảng 250 tỷ Euro (268,68 tỷ USD) vào năm ngoái. Dự kiến, tại nền kinh tế số 1 châu Á, Bộ trưởng Kinh tế Đức sẽ giải thích với Bắc Kinh về động thái của Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp đặt mức thuế cao đối với ô tô Trung Quốc – điều đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra.
Tất nhiên, Seul không thể mong đạt được quy mô như liên kết thương mại Đức-Trung Quốc, nhưng mối quan hệ Hàn Quốc-Đức vẫn đang tiến triển khá tốt. Đầu tư trực tiếp của Đức vào Hàn Quốc lên tới 15,1 tỷ Euro vào năm 2022.
Hơn 500 công ty Đức đã đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Theo Khảo sát Niềm tin kinh doanh mới nhất của Phòng Thương mại Đức, 38% công ty Đức tại Hàn Quốc kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trong hai năm tới và một nửa trong số họ có kế hoạch tăng đầu tư vào nước này.
Thương mại Đức-Hàn Quốc đạt 34 tỷ Euro (36 tỷ USD) vào năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Đức đạt khoảng 20 tỷ USD – đưa Hàn Quốc trở thành điểm đến xuất khẩu ngoài EU lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ.
Những mặt hàng xuất khẩu này chủ yếu là ô tô và phụ tùng ô tô, chiếm 1/3 tổng lượng hàng hóa Đức bán sang Hàn Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm hóa chất và dược phẩm là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác.
Các công ty Đức và Hàn Quốc cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành ô tô. Nhưng đồng thời, họ hợp tác trong nghiên cứu và phát triển về phương tiện di chuyển điện tử hoặc hydro. Cụ thể, các công ty Hàn Quốc mạnh về chất bán dẫn hoặc pin, trong khi các đầu vào khác trong chuỗi cung ứng sản phẩm của họ đến từ các công ty Đức.
“Người tiêu dùng Hàn Quốc quan tâm đến việc được sở hữu các sản phẩm cao cấp và liên tục cập nhật những thứ mới mẻ. Trong khi đó, giới doanh nghiệp ở đây cũng luôn xác định các yếu tố mới như một thành phần trong sản phẩm, đồng thời sẵn sàng đầu tư cho các công nghệ hàng đầu và mới nhất trong sản xuất”, Martin Henkelmann, người đứng đầu Phòng Thương mại Hàn-Đức cho biết.
Nhà cung cấp ô tô Đức Continental (CONG.DE), bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc vào năm 1986 và hiện có 7 địa điểm sản xuất và kinh doanh tại quốc gia này với tổng số 1.300 nhân viên.
Nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của Continental – nơi đang tuyển dụng khoảng 18.000 lao động và chiếm không dưới 11% doanh thu của tập đoàn. Vì vậy, Hàn Quốc sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa của họ trong khu vực.
Martin Kueppers, Giám đốc điều hành của Continental Korea, cho biết, “Chúng tôi có một mạng lưới sản xuất ở châu Á thực hiện các sản phẩm tương tự với quy trình tương tự. Bởi vậy, khi triển khai thành công đa dạng hóa, doanh nghiệp sẽ không chỉ bị phụ thuộc vào một địa điểm”.
Tất nhiên, các quan chức Đức cũng đã nắm bắt được những bằng chứng thực tế cho thấy, các đồng nghiệp Hàn Quốc của họ có mối quan tâm chung trong việc phát triển quan hệ. Đáng chú ý, Seoul đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm quan trọng, với kế hoạch 10 điểm cho chuỗi cung ứng công nghiệp được công bố vào cuối năm 2023.
Nhà phân tích Katharina Viklenko tại Germany Trade & Invest nhận định, sự gần gũi về mặt địa lý của Hàn Quốc với Trung Quốc có nghĩa là họ có quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đồng thời, cùng với liên kết quốc phòng với Mỹ, những căng thẳng nảy sinh với Bắc Kinh có nghĩa là toàn bộ chính sách thương mại của nước này là một “hành động cân bằng”.
Trong khi đó, với Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck khẳng định Trung Quốc là “đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu”. Ông Habeck nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của Trung Quốc “với tư cách là cơ sở sản xuất và trung tâm đổi mới, cũng như thị trường mua sắm và bán hàng”. Vì lý do này, điều quan trọng là duy trì đối thoại và thảo luận về các điều kiện cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Theo kế hoạch, trong chặng công du thứ hai này, ông Habeck sẽ gặp các nhân vật như Chủ tịch Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), Zheng Shanjie, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wang Wentao và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Jin Zhuanglong. Các chuyến thăm doanh nghiệp cũng đã được lên kế hoạch và một buổi đối thoại với sinh viên tại Đại học Chiết Giang.
Nguồn: https://baoquocte.vn/giam-rui-ro-khi-lam-doi-tac-kinh-te-voi-trung-quoc-duc-tim-them-dong-minh-o-chau-a-275770.html