Tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững
Yên Bái còn nhiều khó khăn, song thật đúng với những trăn trở của Bí thư Tỉnh ủy Trần Huy Tuấn: “nếu cứ mang “cái nghèo” ra để “kêu khó, than khổ” mà không chủ động tìm hướng đi, cơ hội, không quyết liệt hành động thì không bao giờ bứt phá vươn lên được”.
QUYẾT LIỆT, CHỦ ĐỘNG BỨT PHÁ VƯƠN LÊN
Có thể còn nghèo về kinh tế nhưng giàu về ý tưởng, tư duy luôn đổi mới sáng tạo, tích cực, chủ động, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững. Đây không chỉ là quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo địa phương mà còn thực sự là câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn và tình người sâu sắc.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: “Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc tiếp tục lãnh đạo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hằng năm, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ giảm nghèo; đồng thời ban hành Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xác định rõ chỉ tiêu giảm nghèo đến từng địa phương và phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, mỗi năm vận động, giúp đỡ trên 1.000 hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo...”.
Cùng với đó, tỉnh Yên Bái đã quan tâm ban hành các Nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của Trung ương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều. Phải kể đến: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, làm đường giao thông nông thôn, chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề; chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Gần đây nhất, trước những ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), tháng 9/2024, Yên Bái đã kịp thời và khẩn trương ban hành những quyết sách quan trọng vì cuộc sống của người dân. Đó là chính sách hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp; chính sách miễn học phí năm học 2024 -2025 cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn toàn tỉnh và hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do bão số 3.
Trong quan điểm phát triển và hành động thực tiễn, Yên Bái luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân là giá trị cốt lõi. Trong đó, đặc biệt quan tâm xóa nhà dột nát, hiện thực hóa giấc mơ an cư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2023 tỉnh Yên Bái ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu làm mới và sửa chữa 3.022 căn nhà.
Với quyết tâm chính trị cao độ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội; khơi dậy ý chí tự lực tực cường và kích hoạt được các nguồn nhân lực, vật lực to lớn trong nhân dân; bằng việc lồng ghép linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa, đến hết năm 2024, Yên Bái đã hoàn thành 3.022/3.022 căn nhà, về đích trước một năm so với mục tiêu Đề án. Bên cạnh đó, năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ làm 1.523 căn nhà cho các hộ gia đình bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ trên 98 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa.
Trong công tác giảm nghèo bền vững, Yên Bái đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn về kinh tế, ngân sách, tỉnh đã ưu tiên lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, các địa bàn thuộc khu vực dân tộc và miền núi để phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, đồng bộ nhằm tăng cường kết nối liên kết vùng, tạo ra điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa bàn vùng khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường giao thương, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội để thoát nghèo bền vững. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước luôn được các địa phương quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả; quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự giác, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; qua các năm đã có nhiều hộ nghèo làm đơn tự nguyện thoát nghèo.
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG - CÁNH CỬA MỞ RA HẠNH PHÚC
Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước với bộn bề khó khăn, Yên Bái đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; với ý chí và khát vọng, với quyết tâm, nỗ lực cao độ và sức mạnh nội sinh, với việc triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có mặt nổi trội.
Bức tranh kinh tế Yên Bái có nhiều điểm sáng, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,91%, vượt kế hoạch đề ra, là mức tăng trưởng cao thứ 2 trong 10 năm trở lại đây (sau năm 2022 là 8,88%), đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng và thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; bình quân 4 năm (2021 - 2024) đạt 7,54%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra với nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng cao.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Khu vực nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong bối cảnh nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ, đạt 3,56%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong Vùng. Công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Đã thu hút được một số dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án sản xuất, chế biến công nghiệp có quy mô lớn (Khu công nghiệp Trấn Yên, Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái; 03 cụm công nghiệp Phú Thịnh, huyện Yên Bình...), tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh và khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 8,94%, đứng thứ 02 trong Vùng và thứ 06 toàn quốc (cao nhất từ trước đến nay).
Công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng. Bước vào đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái là 32,21%, cao thứ 6 so với cả nước, sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,76% (năm 2021), cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ (bình quân giảm 5,03%/năm), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và cả nước.
Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 217/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/02/2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của Yên Bái là 8,66%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, cải thiện 05 bậc so với đầu nhiệm kỳ; thấp thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc (sau các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Phú Thọ). Toàn tỉnh có 113/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,4% tổng số xã toàn tỉnh, tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước, cao gấp 1,5 lần so với bình quân chung cả Vùng; 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giảm nghèo bền vững đã thực sự mở ra cánh cửa hạnh phúc cho người dân. Từ một vùng đất khó khăn, Yên Bái đã và đang chứng minh, bằng ý chí, niềm tin và sự sáng tạo không ngừng, mọi giới hạn đều có thể vượt qua. Hành trình phía trước không chỉ là thử thách, mà còn là cơ hội để Yên Bái khẳng định vị thế, cùng cả nước vững tâm thế và hành động bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, tất cả vì cuộc sống ấm no, thịnh vượng của người dân, để trong tương lai không xa, Yên Bái tự tin xây dựng tỉnh hạnh phúc./.
Nguồn: https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=35993&l=Tintrongtinh
Bình luận (0)