Người dân dồn mua xe khi giảm phí
Để góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã có 3 lần giảm lệ phí trước bạ (LPTB) và vừa qua Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm mức thu LPTB 50% lần thứ 4.
Tuy nhiên, trong 3 năm được áp dụng giảm mức thu LPTB thì có 2 năm doanh số bán hàng của các thương hiệu ôtô thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô tại Việt Nam (VAMA) giảm: Năm 2020 giảm 8% so với năm 2019 và năm 2023 đạt mức 301.898 xe, tương đương giảm 25% so với năm 2022.
Người dân chỉ tập trung mua ôtô trong khoảng thời gian áp dụng chính sách giảm mức thu LPTB. Số lượng xe đăng ký trước bạ trong 6 tháng cuối năm 2020 (khoảng thời gian được áp dụng giảm LPTB) đạt 209.584 xe, chiếm 70,6% trên tổng số lượng xe bán ra năm 2020.
Năm 2021-2022, việc giảm LPTB được áp dụng từ tháng 12.2021 đến tháng 5.2022. Tháng 12.2021 lượng ô tô đăng ký trước bạ: 63.743 xe. 5 tháng đầu năm 2022 lượng ô tô đăng ký trước bạ: 168.450 xe. Trong khi năm 2021 (11 tháng không áp dụng chính sách), tổng số lượng xe bán ra là 304.149 xe, và năm 2022 là 404.635 xe.
Trong năm 2023, 6 tháng giảm LPTB, số lượng xe trong nước đăng ký trước bạ đạt 176.483 xe, chiếm 58%.
3 lần giảm phí trước bạ, nhiều doanh nghiệp không “hứng” được lợi ích
Năm 2020 là năm đầu nước ta bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh, đại lý bán ôtô được ghi nhận khá ảm đạm 2 quý đầu năm. Nhưng đến nửa cuối năm, khi chính sách giảm lệ phí trước bạ được ban hành, doanh số bán xe đã tăng vọt.
Một số doanh nghiệp tìm thấy “cửa sáng” trong khó khăn như CTCP Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco, Mã: HAX) – DN phân phối xe Mercedes có thị phần lớn nhất cả nước.
Tính chung cả năm 2020, Haxaco ghi nhận xấp xỉ 5.570 tỉ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 8% so với năm 2019 và 125,3 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,5 lần.
Giải thích cho mức lợi nhuận đạt đỉnh lịch sử, lãnh đạo Haxaco cho biết, doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội khi Chính phủ ban hành nghị định về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước. Do đó, cả 4 đại lý của Haxaco đều vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng, nằm trong top đầu đại lý về doanh số bán xe Mercedes-Benz tại thị trường Việt Nam.
Ngoài Haxaco, một ông lớn khác trong ngành là CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, Mã: SVC) – doanh nghiệp phân phối các thương hiệu Toyota, Ford, Hyundai, Chevrolet, Volvo, Fuso, Mitsubishi, Honda, Suzuki… cũng đã có một quý 4/2020 kinh doanh thành công.
Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2020 doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Savico ghi nhận giảm 11,9% so với năm trước đó, đạt 16.083 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về chỉ còn hơn 224,8 tỉ đồng, giảm 3,6%.
Kém hơn cả Savico, doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, Mã: VEA) cũng rơi vào khủng hoảng với doanh số bán hàng giảm, doanh thu bán hàng và lợi nhuận đều giảm mạnh so với các năm trước đó.
Tính chung cả năm 2020, VEAM đạt khoảng 3.667 tỉ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, thấp hơn 18% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 5.594 tỉ đồng, giảm hơn 1.700 tỉ đồng.
Lao đao nhất trong nhóm thời điểm bấy giờ là CTCP City Auto (Mã: CTF) – nhà phân phối xe Ford lớn nhất của Ford Việt Nam. Doanh nghiệp này đạt 5.644 tỉ doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 11% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1,4 tỉ đồng.
Riêng năm 2021, dù không được hỗ trợ từ chính sách này (đến tháng 12.2021, chính sách giảm LPTB mới được áp dụng), nhưng doanh số bán xe ôtô vẫn tăng mạnh. Loạt công ty báo lãi.
Lũy kế cả năm 2021, Haxaco đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 5.552 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỉ đồng, tăng trưởng 28%.
Còn Savico, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm 2021 đạt 14.188 tỉ đồng, giảm 11,7% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 211 tỉ đồng.
Với CTF, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt mức 4.509 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty này báo lãi sau thuế xấp xỉ 52 tỉ đồng.
Sang đến năm 2022, chính sách giảm LPTB áp dụng 5 tháng đầu năm. Doanh số bán xe ở các tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng.
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch cụ của Savico đạt kỷ lục với gần 21.310 tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2021. Lãi ròng đạt 586 tỉ đồng.
Haxaco ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 6.775 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2021 và cao hơn 31% so với mức trước dịch COVID-19. Lãi ròng của đơn vị này tăng trưởng ở mức 50% so với năm trước, đạt hơn 239,7 tỉ đồng.
Trong khi đó, CTF thoát được xu hướng sụt giảm doanh thu liên tiếp trong giai đoạn từ 2018-2021, với doanh thu lũy kế 2022 đạt gần 6.307 tỉ đồng. Lãi sau thuế của CTF đạt 117 tỉ đồng.
VEAM cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu thuần 18%, đạt 4.747 tỉ đồng. Đơn vị thu lãi ròng hơn 7.600 tỉ đồng, tăng 32%.
Sau 1 năm không áp dụng chính sách giảm mức thu LPTB, đến tháng 6.2023, chính sách này quay trở lại. Nhưng lần này, lượng xe bán ra của các doanh nghiệp thuộc VAMA trong năm 2023 sụt giảm mạnh khiến các đại lý phân phối ô tô cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lao dốc.
Tính chung cả năm 2023, Savico ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 20.836 tỉ đồng, giảm gần 2% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 44 tỉ đồng, giảm tới 92,4%.
Không chỉ Savico, Haxaco chỉ ghi nhận hơn 3.981 tỉ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ và lãi ròng vỏn vẹn 37 tỉ đồng, giảm lần lượt 41% và hơn 84% so với năm liền trước.
Còn CTF ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 7.100 tỉ đồng. Trong khi đó, lãi ròng cả năm của doanh nghiệp giảm tới 61%, chỉ đạt 44 tỉ đồng.
Còn lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VEAM đạt tới 6.265 tỉ đồng, nhưng là do ghi nhận 1.205 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính, cùng 6.845 tỉ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận được chia từ công ty liên kết (chủ yếu từ Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam).
Năm 2023 được đánh giá là năm suy thoái kinh tế, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng cao nên nhiều người khó tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.
Kết quả, dù được áp dụng chính sách giảm phí trước bạ vào khoảng thời gian cuối năm nhưng doanh số xe lắp ráp trong năm 2023 vẫn giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài lý do mâu thuẫn với lộ trình cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO, thì việc giảm LPTB cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng về tính hiệu quả kinh tế.
3 lần giảm phí trước bạ là vào các thời điểm:
Lần 1: Nghị định số 70/2020, hiệu lực từ ngày 28.6 – 31.12.2020.
Lần 2: nghị định số 103/2022, hiệu lực từ ngày 1.12.2021 – 31.5.2022.
Lần 3: Nghị định số 41/2023, hiệu lực từ ngày 1.7 – 31.12.2023.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/giam-le-phi-truoc-ba-ket-qua-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-van-chua-kha-quan-1363274.ldo