Ngày 12.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cơn bão số 3 đã làm cơ sở vật chất của hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều bị thiệt hại và hư hỏng, nhất là tại các địa phương tâm bão đi qua (TP Hạ Long, Cẩm, Phả, Uông Bí và TX Quảng Yên).
Theo thống kê ban đầu của tỉnh Quảng Ninh, đến nay có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 17.000m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị hư hỏng; hệ thống điện bị mất trên diện rộng; thông tin liên lạc bị ngắt, không liên lạc được, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Trong đó có nhiều đơn vị là khách hàng hiện đang vay vốn tại các TCTD trên địa bàn.
Qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn, đến hết ngày 10.9.2024 có tổng số có 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn Quảng Ninh) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 để lại; có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản).
Trong đó, các khách hàng bị thiệt hại theo ngành, lĩnh vực cụ thể như: Lĩnh vực Nông, Lâm, Thủy sản: 6.270 khách hàng; dư nợ 1.463 tỉ đồng; Lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng: 533 khách hàng; dư nợ 5.243 tỉ đồng; Lĩnh vực Thương mại, Dịch vụ: 4.255 khách hàng; dư nợ 3.948 tỉ đồng.
Tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hải Phòng thông tin, ước tính trên địa bàn ghi nhận tổng cộng 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỉ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Thiệt hại do bão cũng tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…
Trong ngày 11.9, tại Quảng Ninh, NHNN tổ chức buổi làm việc nắm bắt tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng tại hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi làm việc.
Phó Thống đốc cho biết, NHNN yêu cầu các TCTD, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành…
Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng chi nhánh không thu nợ bằng mọi cách đối với khách hàng bị thiệt hại mà phải linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Tại buổi làm việc, các ngân hàng cho biết sẽ ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.
Chia sẻ về các giải pháp tài chính giúp người dân trang trải, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của mưa bão, đại diện Công ty Thanh toán Quốc gia NAPAS gợi ý, việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa cũng là giải pháp để người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức từ các ngân hàng, công ty tài chính.
Việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể giúp người dân thực hiện chi tiêu trước trả tiền sau các khoản sinh hoạt phí cấp thiết hiện nay, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, hỗ trợ hiệu quả cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất, không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.
Theo chia sẻ, thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp. Hiện nay, thẻ tín dụng NAPAS do các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành gồm Agribank, VietinBank, Sacombank, ACB, NAB, HDBank, Vietbank, Baovietbank, VCCB, OCB, Viet A Bank và 4 công ty tài chính gồm Vietcredit, FCCom, Mirae Asset, Mcredit. Người dân có thể cân nhắc đến giải pháp này.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/giam-lai-vay-khong-gap-gap-thu-no-voi-dn-bi-thiet-hai-sau-bao-1393171.ldo