Trong các video đăng trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), Qu Jing, đồng thời là phó chủ tịch công ty, cho biết bà sẽ không chịu trách nhiệm về phúc lợi nhân viên vì “không phải mẹ của nhân viên”. Trong một video khác, bà nói: “Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR), đừng mong được nghỉ cuối tuần”.
Qu cũng yêu cầu nhân viên phải bật điện thoại 24/24 và “luôn sẵn sàng phản hồi”. Bà nói thêm: “Tôi chỉ quan tâm đến kết quả công việc”.
Trong một video trước đó, Qu khẳng định quá mải mê với công việc nên không biết con trai mình đang học năm nào. Sau đó, bà đe dọa những nhân viên dám đặt câu hỏi về phong cách quản lý của mình, nói rằng: “Tôi có thể khiến bạn không thể tìm được việc làm trong ngành này chỉ bằng một bài luận ngắn”.
Đoạn video đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và sau đó đã bị gỡ xuống. Tuần trước, Qu cho biết những lời chỉ trích dành cho bà là “rất thích đáng”, đồng thời hứa sẽ rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình. Bà nói: “Tôi chân thành xin lỗi vì nhiều điểm không phù hợp và khó chịu trong video”.
Bà nói thêm rằng các video đã gây ra “sự hiểu lầm về giá trị và văn hóa doanh nghiệp của Baidu”, mặc dù ban đầu bà có ý định “làm tốt công việc”. Ngày 7/5, giá cổ phiếu của Baidu giảm 2,17% tại Hồng Kông và vẫn giao dịch thấp hơn 2,2% vào ngày 9/5.
Các video của Qu đã nhấn mạnh hệ thống làm việc 996 giờ khét tiếng của Trung Quốc, trong đó nhân viên công nghệ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
Năm 2019, tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã gây phẫn nộ vì gọi văn hóa làm việc này là “phúc lành”, mặc dù nó vi phạm luật lao động Trung Quốc và từng là chủ đề của các cuộc tranh cãi trên mạng.
Từ lâu, các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc đã nổi tiếng với việc yêu cầu nhân viên làm thêm giờ. Nhưng thế hệ nhân viên công nghệ trẻ Trung Quốc ngày nay không còn sẵn sàng chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Sự việc của Qu đang là đề tài thu hút trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Một người dùng bình luận: “Nhân viên sẽ không bao giờ cảm thấy như ở nhà tại một công ty thậm chí không có chút phúc lợi nào”.
Hoài Phương (theo Guardian)
Nguồn: https://www.congluan.vn/giam-doc-baidu-xin-loi-sau-khi-ton-vinh-van-hoa-lam-viec-den-kiet-suc-o-trung-quoc-post295286.html