Thông tin trên được Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục trung học, tổ chức ngày 15-8.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành GD-ĐT TP HCM đã có những chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện chương trình dạy các môn tích hợp cũng như xây dựng các môn lựa chọn trong chương trình nhà trường.
Theo ông Hiếu, vào năm học mới, các trường có nhiều vấn đề cần phải thực hiện liên quan đến chuyên môn, học tập bồi dưỡng và nhiều vấn đề khác. Do đó, ông đề nghị hiệu trưởng cần hết sức quan tâm để tránh những chuyện ồn ào không đáng có.
Cụ thể, vào đầu năm học, các trường sẽ tổ chức các hoạt động lựa chọn bổ sung cho chương trình nhà trường. Việc này phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, dân chủ và tự nguyện. Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn tất cả các hoạt động bổ sung theo chương trình nhà trường phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, có thể xếp lớp lại. “Các trường tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh phải tham gia tiết học với giáo viên nước ngoài dù gia đình không hề mong muốn. Nếu để xảy ra tình trạng trên, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm” – Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM khẳng định.
Tại hội nghị, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện lớp học linh động để đáp ứng nhu cầu học tập các môn lựa chọn của học sinh. Chính vì vậy, mỗi học sinh sẽ có một thời khoá biểu riêng, giờ đó các em được học các bộ môn một cách tự nguyện.
Tuy nhiên, trong thực tế có trường thực hiện “combo”, lớp này phải học tiếng Anh, học tin học, học âm nhạc, học vẽ… Việc triển khai như vậy là sai.
Theo ông Hiếu, việc bổ sung các môn học phải trên tinh thần tự nguyện. Phụ huynh đăng ký theo nhóm các hoạt động, nhóm các môn học bổ sung. Từ đó trường xếp lớp theo mong muốn của phụ huynh và sở thích, năng lực của học sinh.
“Tôi đề nghị hiệu trưởng các trường phải hết sức lắng nghe. Bởi vì trường học là nơi tạo điều kiện cho học sinh được học đúng môn sở trường, đúng mong muốn của phụ huynh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn phải theo định hướng của trường đối với các môn học cơ bản, mang tính nền tảng” – ông Hiếu nói thêm.
Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT, hiệu trưởng không ký hợp đồng với công ty để thực hiện chương trình trong trường. “Hiệu trưởng lên kế hoạch tổ chức các hoạt động bổ sung về chuyên môn như tiếng Anh, tin học, bổ sung kỹ năng sống và phụ huynh lựa chọn nhóm nào. Từ đó nhà trường sẽ lựa chọn đơn vị, lựa chọn giáo viên để mời thỉnh giảng các hoạt động lựa chọn cho chương trình nhà trường” – ông Hiếu lưu ý.
Tránh bất ngờ trong thi cử
Đối với kỳ thi lớp 10, trong tháng 9, Sở GD-ĐT sẽ công bố định hướng giảng dạy thi cử và trong tháng 10 sẽ công bố đề minh hoạ. Trên định hướng về chuyên môn của Sở GD-ĐT, từng quận, huyện họp phân công giáo viên, biên soạn đề minh hoạ gửi về Sở GD-ĐT. “Sở GD-ĐT sẽ cùng với chuyên viên bàn bạc, đánh giá đề minh hoạ ổn, sau đó công bố cho các trường để các em ôn tập. Quan điểm của chúng tôi, dạy như thế nào sẽ kiểm tra đánh giá như vậy, tránh gây đột ngột, bất ngờ cho học sinh” – ông Hiếu khẳng định.
Nguồn: https://nld.com.vn/giam-doc-so-gd-dt-tp-hcm-luu-y-nong-den-cac-hieu-truong-ve-viec-khong-duoc-lam-trong-nam-hoc-moi-196240815143949469.htm