Quản lý một trường đại học ở TPHCM kể, mới đây, trường tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên. Trong chương trình, sẽ có phần giao lưu, tư vấn giữa đại diện các doanh nghiệp và sinh viên.
Trường mở lời mời vị giám đốc kinh doanh của một công ty bất động sản vốn rất nhiệt tình chia sẻ với sinh viên. Thay vì đồng ý, giờ đây người này lắc đầu từ chối: “Năm nay chết đói, sắp thất nghiệp, cấm khẩu luôn rồi anh ơi!”.
Mới đầu năm ngoái, trước câu hỏi “có thật hay không việc sinh viên mới ra trường lương ngàn “đô”?” trong một buổi giao lưu, vị giám đốc mới ngoài 30 tuổi này trả lời “ngàn USD chỉ là chuyện nhỏ”.
Theo anh, sinh viên ra trường đi làm lương ngàn “đô” không còn là chuyện lạ, chuyện hiếm, nhiều ngành nghề đáp ứng được con số này đối với những bạn có hướng đi, có quyết tâm và khát khao kiếm tiền.
Người này dẫn chứng ở công ty mình, nhiều bạn trẻ, có trường hợp không có bằng cấp, mới tham gia vào đội ngũ bán nhà đất vài tháng đã đạt mức thu nhập 100-150 triệu đồng/tháng.
Nhưng giờ đây, chỉ hơn một năm sau thời điểm đó, công ty phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân viên, hàng loạt người lao động mất việc làm, thất nghiệp. Đồng nghiệp, nhân viên của anh có người ôm nhà đất vỡ nợ, cả gia đình phải về quê; có người chạy xe công nghệ kiếm sống…
Giám đốc giờ lương chỉ còn hơn 4 triệu đồng, không bán được nhà thì không có hoa hồng nên cũng đang phải tính đến việc tìm thêm công việc khác.
Năm trước, tại các chương trình hướng nghiệp, nhiều học sinh ở TPHCM cho biết nhiều người quen của các em như cô, dì, chú, bác không hề qua đào tạo trường lớp, không học hành gì nhưng vẫn đi làm bất động sản rất “ngon lành”, kiếm được rất nhiều tiền. Chưa kể, có người còn bỏ cả công việc chính thức để bước vào con đường “cò đất”.
Bức tranh “kiếm tiền ngon lành” đó đã xoay chuyển chóng mặt trước những biến động kinh tế khi đất đai từ “sốt xình xịch” chuyển thành “băng đá”. Nhiều công ty cắt giảm, sa thải nhân sự, nhiều sàn môi giới phải đóng cửa, ngưng hoạt động.
Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt lao động trong lĩnh vực này mất việc, thất nghiệp, có người bị đào thải, có người chủ động bỏ nghề.
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam VARS, đầu năm 2023, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.
Gần đây, trên các trang tìm kiếm việc làm, dễ dàng bắt gặp nhiều ứng viên tìm việc làm là cựu nhân viên môi giới bất động sản, trong đó có người từng là giám đốc, trưởng phòng, phó phòng.
Đầu năm 2023, chị Thái Ngọc Thơm, 32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM bị đào thải khỏi lĩnh vực bất động sản sau gần nửa năm trời không bán được bất cứ sản phẩm nào.
Nữ nhân viên kể, khi chị gọi điện cho khách hàng chào mời dự án, đầu dây bên kia nếu không cúp máy cái rụp thì lại nghe khách chào ngược: “Chị còn ế mấy căn hộ, lô đất, em có mua không, chị bán cho”.
Từ mức thu nhập vài chục triệu đồng tháng, có khi đỉnh điểm có thể lên đến cả trăm triệu đồng, những lúc này, chị Thơm sống lay lắt với vài triệu đồng tiền môi giới cho thuê căn hộ.
Chị Thơm cho biết, nhà chị không chỉ một mà “được cả đôi” khi hai vợ chồng đều là nhân viên bất động sản rơi vào thất nghiệp. Không thu nhập, không việc làm, tiền tiết kiệm đã cạn kiệt, vợ chồng chị Thơm gửi hồ sơ, tìm việc khắp nơi nhưng đều bất thành.
Gia đình rơi vào khó khăn, chị Thơm đành tìm việc dọn dẹp ở quán ăn, giúp việc theo giờ, còn chồng chị được người quen giới thiệu chạy xe ba gác kiếm sống qua ngày.
Theo bản tin thị trường lao động quý II của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhân viên môi giới bất động sản đứng đầu trong 5 nhóm nghề có người lao động bị sa thải đi tìm việc nhiều nhất, bên cạnh nhân viên dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.
Báo cáo về tình hình tuyển dụng Navigos Group về lĩnh vực bất động sản cho thấy 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhân sự ngành này tăng trưởng 19% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19. Nhưng đến 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu nhân sự lĩnh vực này giảm đến 34% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch.