Sáng nay (16.7), ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe trên cơ sở phát triển Khoa Y. Đồng thời, ĐH này công bố và trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, PGS-TS Trần Cao Vinh giữ chức phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng trao tặng danh hiệu “Hiệu trưởng danh dự” Trường ĐH Khoa học sức khỏe cho GS-TS-BS Đặng Vạn Phước.
“Hành trình đi tìm nhân sự rất khó, rất lúng túng”
Phát biểu trong lễ công bố, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, gửi lời tri ân đến GS-TS-BS Đặng Vạn Phước – người gắn bó với Khoa Y từ ngày đầu thành lập đến nay. “Thầy là tấm gương đạo đức của người thầy thuốc và người thầy giáo, tinh thần của một nhà khoa học. Mong GS-TS-BS Đặng Vạn Phước tiếp tục dành thời gian, tâm huyết cùng với tập thể đưa Trường ĐH Khoa học sức khỏe phát triển lên tầm cao mới”, PGS Vũ Hải Quân bày tỏ.
Từ câu chuyện của GS Đặng Vạn Phước, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ thêm về hành trình đi tìm nhân sự thời gian qua. Ông Quân nói: “Nhân sự là vấn đề then chốt. Hiện nay quy trình nhân sự ngày càng chặt chẽ hơn với yêu cầu ngày càng cao. Điều này là tốt nhưng nếu chúng ta không có bước chuẩn bị sẽ lúng túng và rất khó khăn”.
Trong hành trình đi tìm nhân sự lãnh đạo cho ĐH này, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết đã nhận được câu trả lời ‘chưa thực sự sẵn sàng’ cho vị trí lãnh đạo khi trao đổi với các nhân sự đủ điều kiện. Lý giải nguyên nhân của câu trả lời trên, ông Quân cho biết đầu tiên chính là thu nhập. Theo ông Quân, thu nhập của phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chắc chắn thấp hơn khi công tác tại trường thành viên. Trong khi đó công việc nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn. Từ đó, ông Quân nói: “Phải chia sẻ thật rằng, hành trình đi tìm nhân sự lãnh đạo trong 4 năm vừa qua rất khó, rất lúng túng”.
Từ câu chuyện trên, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM hướng đến các chính sách nhằm phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đặc biệt là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược.
Bên cạnh đó, ĐH này cũng hướng đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức; đổi mới công tác quản lý khoa học, công nghệ; chú trọng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp thu và truyền bá tri thức tiên tiến. “Đó còn là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục ĐH trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức…”, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nói thêm.
Sớm xây dựng một bệnh viện thực hành
Về Trường ĐH Khoa học sức khỏe, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết ĐH này hiện đang đào tạo 5 ngành bậc ĐH, từng có 8 khóa tốt nghiệp với hơn 1.000 bác sĩ và dược sĩ. Trong vai trò Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM kiêm Hiệu trưởng lâm thời Trường ĐH Khoa học sức khỏe, ông Quân cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trường ĐH này phải thực hiện ngay.
Theo đó, trường cần tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; đồng thời phải kết nối tốt, tận dụng hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, đội ngũ các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và khoa học quản lý để tạo những sản phẩm về đào tạo và nghiên cứu khoa học mang đặc thù của ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng thời đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân.
PGS Quân còn cho biết một nhiệm vụ quan trọng khác là cần sớm xây dựng một bệnh viện thực hành. Mô hình kết hợp giữa trường ĐH và bệnh viện là rất cần thiết, là môi trường học thuật phong phú, nơi mà kiến thức mới được cập nhật liên tục và các phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay lập tức. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa, giúp sinh viên có cơ hội sớm tiếp cận với thực tiễn và góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa giảng viên, bác sĩ và nhà nghiên cứu.
Tính đến thời điểm hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM có 10 cơ sở đào tạo gồm: 8 trường ĐH thành viên: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế-Luật, Trường ĐH An Giang và Trường ĐH Khoa học sức khỏe. Ngoài ra, ĐH này còn có Viện Môi trường và Tài nguyên, Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giam-doc-dh-quoc-gia-tphcm-chia-se-chuyen-kho-tim-nhan-su-lanh-dao-185240716112843249.htm