Chiều 5/12, tại kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi đối với Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh về các dự án trạm y tế xây dựng chậm giải ngân vốn đầu tư, xây dựng chậm tiến độ.
Tại đây, đại biểu Đinh Văn Hươm, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi, việc bố trí nguồn vốn cho Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn cho 37 trạm y tế, tính đến năm 2024 là hơn 136 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển sang của năm 2023 là hơn 75 tỷ đồng nhưng tỉ lệ giải ngân đến nay là 0 đồng cho nên nguy cơ nguồn vốn của Trung ương này sẽ mất.
“Vậy trách nhiệm Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh trong việc quản lý nguồn vốn này mất đi trong thời gian đến và đơn vị cho biết thêm giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn này trong năm 2025 và để đảm bảo các trạm y tế sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động sử dụng phục vụ nhân dân trong thời gian tới”, đại biểu Đinh Văn Hươm nói.
Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh, với 37 trạm y tế. Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1550/QĐ-UBND ngày 26/6/2024 với tổng mức là 176,216 tỷ đồng, đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp 37 trạm y tế, thời gian thực hiện 2019-2025.
Về tình hình thực hiện dự án này, ông Huỳnh Xuân Sơn cho hay, công tác thẩm định giá thiết bị đơn vị đã trình Sở xây dựng thẩm định dự toán thiết bị y tế, Sở Tài chính có ý kiến yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa chứng thẩm định giá. Đơn vị tư vấn thẩm định giá đang cập nhật chỉnh sửa chứng thư theo nội dung yêu cầu của Sở Tài chính.
“Việc thẩm định về danh mục, thống nhất cấu hình chung trang thiết bị y tế cho tất cả trạm cũng mất nhiều thời gian do phải qua nhiều lần lấy ý kiến các đơn vị sử dụng và trình Sở Y tế xem xét, thống nhất. Công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mất thời gian dài để được thẩm định, phê duyệt…”, ông Huỳnh Xuân Sơn nói.
Ông Huỳnh Xuân Sơn chia sẻ thêm, trong năm 2025, đơn vị tập trung và cương quyết có giải pháp cụ thể để các bên liên quan cam kết phải hoàn thành và quyết toán dự án.
Về dự án 76 trạm y tế, ông Huỳnh Xuân Sơn cho rằng, đây là lần đầu tiên đơn vị làm chủ đầu tư dự án. Khi tiếp nhận dự án này đơn vị và các bên liên quan tiến hành khảo sát lại việc đầu tư xây dựng đã phát hiện một số nội dung còn bất cập so với chủ trương đầu tư được phê duyệt nên dự án phải thực hiện điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
“Gói thầu trang thiết bị y tế, từ năm 2022 đến nay trên toàn tỉnh chúng ta, về thẩm định trang thiết bị y tế mất nhiều thời gian; về hồ sơ thủ tục đất đai, giấy tờ, thẩm định, công tác thiết kế, với số lượng công việc lớn nên rất phức tạp. Đối với 76 trạm y tế này có 64 danh mục thiết bị, tuy nhỏ nhưng rất nhiều loại nên lấy báo giá trên hệ thống đấu thầu quốc gia thì có đơn vị có báo giá, nhưng không đầy đủ dẫn đến mất thời gian…”, ông Huỳnh Xuân Sơn chia sẻ.
Ông Huỳnh Xuân Sơn nhấn mạnh: “Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, cụ thể thuộc về cán bộ quản lý dự án, các Trưởng phòng, Phó Giám đốc được phân công phụ trách dự án đó chịu trách nhiệm trước giám đốc ban. Với người đứng đầu đơn vị tôi xin chịu trách nhiệm với UBND tỉnh về sự chậm trễ tiến độ của các dự án”.
Trước đó, ngày 5/11/2024, Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh “Quảng Nam: Dự án nâng cấp, xây dựng 76 trạm y tế chậm tiến độ” về việc, tại Quảng Nam có những trạm y tế tuyến xã xây dựng cách đây trên 30 năm đã xuống cấp trầm trọng cần xây mới, sửa chữa, nâng cấp kể cả cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Do đó UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế. Thế nhưng dự án này quá ì ạch và chẳng biết đến khi nào mới xong.
Nguồn: https://daidoanket.vn/quang-nam-giam-doc-bql-tinh-cam-ket-hoan-thanh-du-an-76-tram-y-te-10295927.html