Em Võ Thanh Mẫn – học sinh lớp 12A4 Trường Trung học phổ thông Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ngoài áp lực về điểm số, Mẫn còn trăn trở về việc chọn ngành, chọn trường.
Mẫn ôn tập trên lớp, tham gia các lớp luyện thi riêng, về nhà em giải đề và ôn tập kiến thức đến khuya và phần lớn thời gian trong tuần em đều dành cho việc học. Khi ôn tập, Mẫn không gặp bạn, không trò chuyện với người thân mà chỉ ở trong phòng học.
Em thấy chán, mệt mỏi và không thể nhớ được kiến thức. Mẫn tâm sự với cô chủ nhiệm và được cô khuyên nên học nhóm cùng các bạn, tham gia nhiều hoạt động xã hội để giải tỏa áp lực.
“Em rủ các bạn lập thành nhiều nhóm để ôn các môn khác nhau. Chúng em hẹn nhau ở thư viện trường, căng tin hoặc các quán trà sữa gần nhà để giúp nhau dò bài, chia sẻ cách làm mới và kiểm tra kiến thức cũ”, Mẫn nói.
Bên cạnh ôn tập, Mẫn còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như phát cơm, phát quà cho người nghèo cùng nhóm thiện nguyện Từ Tâm vào mỗi cuối tuần, từ đó giúp Mẫn giảm căng thẳng và học hiệu quả hơn.
Em Võ Thanh Mẫn (thứ hai, từ phải qua) cùng bạn thăm, tặng quà học sinh nghèo.
Em Lê Bùi Diễm Sương – học sinh lớp 9/1 Trường Trung học cơ sở Sóc Sơn, huyện Hòn Đất đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Sương may mắn khi gia đình không tạo nhiều áp lực việc học nhưng em nỗ lực vì muốn được học tại ngôi trường mình thích.
“Em không lo về việc học trường chuyên hay không chuyên nên tâm thế thoải mái. Em có kế hoạch cụ thể, tìm hiểu trường mình muốn học, xem điểm tuyển sinh và tỷ lệ chọi rồi lập thời gian biểu ôn tập hợp lý. Em không học tủ mà làm đề cương để học đều các môn, bám sát kiến thức sách giáo khoa, sưu tầm và giải đề các năm học trước, học đến đâu chắc đến đấy, nếu có phần kiến thức khó em liên hệ giáo viên để hỏi ngay. Khi ôn tập căng thẳng em đánh cầu lông cùng cha mẹ hoặc anh trai, từ đó tâm trạng em tốt hơn”, Sương nói.
Sương thường xuyên tâm sự với cha mẹ về áp lực mà em trải qua. Được gia đình hiểu, chia sẻ Sương vượt qua khó khăn.
Dọn dẹp và trang trí góc học tập theo sở thích là cách giúp học sinh, sinh viên giải tỏa áp lực.
Theo Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An – cộng tác viên tư vấn tâm lý trên sóng radio của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, nhiều bạn trẻ mệt mỏi, chán chường khi ôn tập cho các kỳ thi quan trọng. Các bạn gặp phải tình trạng này vì luôn đặt nặng áp lực điểm số, thành tích.
“Tôi khuyên các bạn thư giãn, thả lỏng cơ thể và tâm trí vì chỉ khi cảm thấy thoải mái, vui vẻ thì não mới có thể tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức. Bên cạnh việc bổ sung đủ chất dinh dưỡng, vitamin hỗ trợ sức khỏe, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần rất quan trọng trong giai đoạn này, điều này không chỉ xuất phát từ các bạn mà đòi hỏi nỗ lực của gia đình. Phụ huynh nên gần gũi, chia sẻ với con thay vì đặt ra nhiều chỉ tiêu và bắt con phải thực hiện, tôn trọng nguyện vọng của con và hỗ trợ con. Dành nhiều lời khen và ghi nhận cho nỗ lực, cố gắng của con, chuẩn bị tâm lý để đồng hành cùng con dù thành công hay thất bại. Được gia đình quan tâm sẽ làm cho các em có động lực để phấn đấu học tập và đạt kết quả cao”, Thạc sĩ tâm lý học Hoàng An nói.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI