Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Nhưng áp lực thi cử, sức ép tâm lý phải phấn đấu đạt kết quả tốt, thi đạt mục tiêu đề ra mới là điều các thí sinh lo lắng nhất. Bởi vậy những giấc ngủ của sĩ tử trong mùa thi thường đến một cách nhọc nhằn, với nỗi sợ hãi mơ hồ. Sợ mình đến phòng thi muộn giờ, sợ mình quên kiến thức, không làm được bài, sợ mình có sơ suất gì đó khiến bài thi bị trừ điểm… Nỗi sợ cứ chồng chất khi ngày thi gần kề.
Áp lực từ chính các thí sinh tự đặt ra cho mình vốn đã hết sức nặng nề, bên cạnh đó các em còn phải tiếp tục gánh thêm áp lực từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Vì quá lo lắng, một số bậc cha mẹ huy động hết quỹ thời gian trước ngày thi để mời thầy kèm thêm cho con. Những lời quở trách nếu con không đạt được thành tích như gia đình, thầy cô kỳ vọng. Những phần thưởng hấp dẫn được công bố trước để khích lệ tinh thần các sĩ tử… Tất cả những việc làm đó gián tiếp gây sức ép tâm lý cho trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, mỗi mùa thi đến, nguy cơ trầm cảm tuổi học đường thường có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, do áp lực quá căng thẳng không ít thí sinh bị rối loạn cảm xúc, mắc hội chứng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, mất ngủ triền miên,… phải nhập viện điều trị. Điều đáng lo ngại là chỉ đến khi trẻ có những biểu hiện quá bất thường, tự làm thương tổn bản thân thì cha mẹ mới phát hiện ra, lúc đó tình trạng bệnh đã tương đối trầm trọng.
Những ai từng trải qua năm tháng học trò đều hiểu rằng việc học tốt, thi tốt là niềm mong mỏi của các bậc cha mẹ và học sinh. Song mỗi học sinh có những khả năng, sở trường, nguyện vọng khác nhau. Thành tích học tập tốt, điểm số cao, đỗ vào trung học phổ thông công lập hay các trường đại học tốp 1 chưa hẳn là mục tiêu quan trọng nhất, duy nhất. Luôn có nhiều lựa chọn cho mỗi người, nhất là ở giai đoạn chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đã có học sinh thay vì phấn đấu vào đại học bằng được thì đã chủ động chọn học nghề theo đúng sở trường, đam mê của bản thân, nhờ vậy phát huy được năng lực và gặt hái thành công.
Thấu hiểu điều này, trước khi bước vào kỳ thi, các bậc cha mẹ cần quan tâm chăm lo sức khỏe về thể chất và tinh thần cho con em mình, giúp các em có chế độ học tập và nghỉ ngơi khoa học; tư vấn để các em lựa chọn trường phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân. Các em rất cần sự thấu hiểu, quan tâm, động viên và đồng hành từ phía gia đình, do đó các bậc cha mẹ cần tuyệt đối tránh việc áp đặt và đặt kỳ vọng quá nhiều lên con trẻ. Có như vậy trẻ sẽ bước vào kỳ thi với một tâm thế thoải mái, bình tĩnh, tự tin và hiệu quả.