Một trong những lý do chính của đề xuất giảm phí trước bạ lần 4 là thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng. Vậy thực tế hiệu quả những lần trước ra sao?
Giảm phí lần 3, kết quả kinh doanh vẫn giảm
Kể từ sau đại dịch COVID-19 bùng phát (năm 2020) đến nay, Việt Nam đã 3 lần áp dụng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2022 tại nhiều doanh nghiệp, tác động chính sách giảm phí trước bạ là tích cực khi doanh số được cải thiện rõ ràng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý 2022 là năm đầu kinh tế phục hồi mạnh sau khi gỡ bỏ giãn cách. Thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt hơn 500.000 chiếc, xô đổ mọi kỷ lục từng thiết lập.
Với lần thứ ba giảm phí trước bạ vào nửa cuối năm 2023, chính sách này dường như không còn vực nổi thị trường ô tô vốn giảm mạnh về sức mua.
Theo phân tích của Tuổi Trẻ dựa trên báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp ô tô lớn trong nước, doanh số bán xe có cải thiện hơn nửa cuối năm 2023 nhưng tính chung cả năm vẫn chật vật.
Như Công ty CP dịch vụ ô tô Hàng Xanh, báo cáo tài chính kiểm toán 2023 cho thấy doanh thu chỉ đạt 3.981 tỉ đồng – bằng 59% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 37 tỉ đồng, “bốc hơi” hơn 200 tỉ đồng (tương ứng -84%) so với năm 2022.
Hay Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) – đơn vị có lợi nhuận “khủng” hằng năm từ việc liên doanh với các hãng ô tô hàng đầu như Toyota, Ford, Honda – cũng không ngoại lệ.
Trong quý cuối năm 2023, VEA ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt sụt mạnh, lần lượt giảm 23% và 37% so với cùng kỳ. Cả năm VEA lãi sau thuế 6.297 tỉ đồng, giảm gần 18%.
Năm 2022 lãi sau thuế của Thaco 7.420 tỉ đồng, sang 2023 chỉ còn 2.734 tỉ đồng, tức giảm gần 4.700 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn khác cũng kém vui như Savico lợi nhuận 2023 giảm 93%, Ô tô TMT giảm tới 98%.
Chuyên gia phân tích Chứng khoán SSI cho rằng bất chấp các biện pháp hỗ trợ kích cầu từ cả Chính phủ và các đại lý phân phối, doanh số bán hàng vẫn thấp do người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua ô tô trong thời điểm kinh tế khó khăn. Theo SSI tính toán, doanh số bán ô tô và xe máy mới trong năm 2023 có sự sụt giảm lần lượt 25% và 17% so với cùng kỳ.
Chuyên gia NGUYỄN MINH ĐỒNG
Dồn vào mua khi giảm phí
Ông Nguyễn Minh Đồng – chuyên gia ô tô – quan sát việc giảm lệ phí trước bạ thường khiến thị trường chững lại ở giai đoạn trước khi áp dụng để dồn vào mua vào thời điểm giảm phí.
“Người mua có tâm lý chờ đợi. Thị trường sẽ tăng tốt hơn vào thời điểm chính sách hỗ trợ này gần hết hiệu lực. Sau khi hết thời gian ưu đãi, thị trường lại ảm đạm. Nhiều người muốn mua mới lại rơi vào chờ đợi”, ông Đồng nói.
Vị chuyên gia từng nhiều năm làm việc cho hãng ô tô lớn ở nước ngoài này cho rằng thị trường ô tô trong nước lâu nay vẫn thiếu vắng những chính sách căn cơ, lâu dài để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Năm nào cũng đề xuất giảm vài tháng sẽ tạo thói quen “chờ đợi” cho người tiêu dùng.
“Có thể doanh nghiệp này doanh nghiệp kia, người dùng này người dùng khác hưởng lợi, nhưng có thực sự tốt cho cả thị trường không thì nên nhìn nhận lại”, ông Đồng băn khoăn.
Ông Đồng cũng cho biết các hãng muốn kích cầu, giảm tồn kho sẽ có những chính sách khuyến mãi phù hợp. Cần có những chính sách có tầm nhìn dài hơi hơn cho ngành công nghiệp ô tô, để chi phí sản xuất giảm, giá thành hạ xuống, doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh thực sự.
Ông Đồng cho rằng với ô tô nay giảm phí vài tháng, năm sau lại giảm vài tháng sẽ không giúp ngành này mạnh lên mà giống như “giải cứu” thanh long, dưa hấu. Về phía các doanh nghiệp, ông Đồng khuyến nghị nên chủ động, kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ khác về khuyến mãi, hậu mãi, tăng chất lượng dịch vụ, giúp thị trường ô tô vực dậy sức mua.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cuối năm 2023, nhiều người tranh thủ chốt mua xe để kịp hưởng phí trước bạ 50%. Nhưng sau khi hiệu lực ưu đãi này hết, để kích cầu mua sắm, nhiều hãng xe và đại lý vẫn tăng khuyến mãi “bù” lại.
Nhiều dòng xe đã được đại lý tặng tiền mặt tương đương hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ. Điều này có nghĩa thị trường cũng hoàn toàn có khả năng tự điều tiết.
Cần chính sách hài hòa, dài hơi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tú (Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) cho rằng nên xem xét, cân nhắc để tạo đồng bộ, hài hòa hơn với chính sách thuế phí. Nhận xét mức phí trước bạ áp dụng đối với ô tô lên tới 12% là rất cao, nên ông Tú cho rằng nên xem xét luật hóa việc giảm phí thay vì năm nào cũng đề xuất giảm vài tháng, tạo tâm lý chờ đợi…
Tuy nhiên, nên cân nhắc áp dụng chung với cả sản xuất lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu, các loại ô tô nói chung. “Việt Nam đã vào sân chơi chung toàn cầu, chỉ ưu đãi trong nước mãi cũng không được”, ông Tú nhấn mạnh.
Trước ý kiến về giảm phí trước bạ có phải ưu đãi người giàu, ông Phan Phương Nam – phó khoa luật thương mại (Trường đại học Luật TP.HCM) – cũng cho rằng việc kích cầu có thể thúc đẩy nền sản xuất trong nước, tạo tác động lan tỏa chứ không chỉ người giàu hưởng lợi.
“Tuy nhiên cơ quan chức năng cần có giải pháp hài hòa, tránh bất cập thuế phí. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thời gian qua đã lên tiếng phản đối, “đứng ngồi không yên” về việc này, những phản ứng này cũng cần được tính đến”, ông Nam nói.
Ông Nam nhắc lại năm 2023 chính Bộ Tài chính cũng từng không đồng ý giảm lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước vì lo ảnh hưởng tới cam kết quốc tế.
Trong văn bản mới nhất đề xuất giảm phí trước bạ vừa qua, bên cạnh những mặt đạt được cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định có những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước và về mặt cam kết quốc tế.
“Vậy vấn đề này đã được rà soát ra sao?”, ông Nam đặt câu hỏi. Để phát triển ngành ô tô theo hướng bền vững hơn, ông Nam cho rằng cần có lộ trình rõ ràng, sòng phẳng. Từ đó tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp sản xuất lắp ráp nội địa lẫn phía nhập khẩu chủ động, thay vì cảnh “thấp thỏm” và bị động.
Có giảm phí trước bạ, đại lý cắt khuyến mãi
Theo một số nhân viên bán hàng và marketing ngành ô tô, khi nghe tin có thể giảm phí trước bạ, nhiều khách hàng hy vọng sẽ được hưởng lợi ích kép từ cả doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, khách hàng cần tìm hiểu rõ về chính sách bán hàng của từng đại lý, từng dòng xe để tránh hụt hẫng khi đại lý rút bớt các chính sách khuyến mãi ngay lúc Nhà nước áp dụng giảm phí trước bạ.
Thực tế, trên mạng xã hội năm ngoái từng xôn xao vụ việc một khách hàng phản ánh đã ký hợp đồng xe hơn 1 tỉ đồng và đã đặt cọc trăm triệu. Tuy nhiên sau đó, thị trường bất ngờ được áp dụng chính sách giảm phí trước bạ nên đại lý xe lại đòi tăng giá xe theo mức “giá mới” bằng với giá niêm yết, không giảm cho khách hàng nữa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giam-50-phi-truoc-ba-o-to-san-xuat-trong-nuoc-co-phai-uu-dai-nguoi-giau-20240630222858165.htm