KON TUM Từ việc không bán được chuối, anh Bùi Văn Đông đã ấp ủ ý tưởng dùng chuối để sản xuất phân bón hữu cơ và đã gặt hái thành công.
Vườn chuối của gia đình anh Bùi Văn Đông (thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) trải dài, xanh mướt, nằm ẩn sâu trong cánh rừng cao su bạt ngàn.
Anh Đông cho biết, khu vực này có khoảng gần 20ha trồng chuối, riêng gia đình anh sở hữu 4,5ha. Diện tích chuối này chủ yếu của những người thân quen rủ nhau cùng làm rồi thành lập nên HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Thương mại Ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm chuyên sản xuất chuối đạt tiêu chuẩn VietGAP hướng đến xuất khẩu.
Anh Đông cho biết những năm trước anh là dân buôn, chuyên vào tỉnh Tây Ninh bán khoai môn. Sau đó, anh vô tình gặp người quen kinh doanh chuối để xuất khẩu, giá bán lại rất cao. Thấy vậy, anh cùng với một số anh em quyết định về Tây Nguyên trồng chuối.
Nhưng thật không may cho anh Đông và anh em khi chuối chuẩn bị cho thu hoạch thì xảy ra dịch bệnh Covid-19, chuối gần như không bán được, hoặc bán với giá rất rẻ.
Nhìn vườn chuối của gia đình chín đồng loạt mà không bán được, anh Đông rất chán nản. Chuối không bán được chỉ còn cách bỏ đi, nhưng số lượng quá nhiều lại khiến anh không cam tâm. Từ đó anh suy nghĩ, sao mình không ủ chuối thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng?
Không chần chứ, anh ra các đại lý phân bón mua men vi sinh trichoderma về ủ với chuối sẵn có. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm làm phân hữu cơ nên khi ủ tạo mùi hôi thối rất khó chịu.
Khoảng 2 năm trở lại đây, cơ duyên đến với anh Đông khi gặp được lão nông ở Gia Lai chuyên tự sản xuất phân bón hữu cơ từ men vi sinh vật bản địa (IMO). Sau đó, anh về mày mò làm thử theo công thức được hướng dẫn. Quả thực, phân bón hữu cơ từ vi sinh vật bản địa không có bất cứ mùi hôi nào, thậm chí rất thơm.
Công thức ủ men vi sinh vật bản địa rất đơn giản nhưng nhiều người lại không biết. Chỉ cần 2 quả chuối, 1kg đu đủ chín, men tiêu hóa, mật rỉ đường, cám gạo… cho vào 10 lít nước sạch rồi ủ trong 7 ngày là có thể dùng được. Khi thành công với chế phẩm IMO gốc, anh pha trộn theo tỷ lệ với đạm cá, đậu nành, chuối để bón cho vườn cây.
Trên thực tế, phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ đã được anh Đông ấp ủ từ lâu. Nhưng lúc bấy giờ, gia đình chưa có điều kiện, cũng như cơ sở vật chất vẫn còn thô sơ. Anh hiểu rằng, sử dụng phân hữu cơ, nhất là phân chuồng sẽ rất tốt cho vườn cây, lại không gây độc hại cho môi trường.
Theo anh Đông, sử dụng phân hữu cơ cây phát triển chậm hơn so với phân hóa học, nhưng bù lại tăng độ bền, tốt hơn cho đất. Mặt khác, sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa chỉ có thể gọi là theo hướng hữu cơ, nên bản thân chưa thể hiểu hết thành phần dinh dưỡng có trong loại phân này.
“Trong quá trình sử dụng phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa, tôi cảm nhận được cây phát triển tốt, xanh tươi và môi trường sống trong lành”, anh Đông chia sẻ.
Cũng nhờ chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ nên chi phí đầu tư phân bón đã giảm rõ rệt. Nếu như trước đây trung bình 1 năm gia đình anh Đông phải mất hơn 200 triệu đồng mua phân hóa học thì hiện tại chỉ mất chưa đến 100 triệu đồng. Chưa kể có những thời điểm, giá phân bón hóa học lên cao nên việc chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ giảm được rất nhiều chi phí.
Từng bước thành công với mô hình trồng chuối theo hướng hữu cơ, gia đình anh Đông được rất nhiều người dân trông vùng đến tham quan, học hỏi. Từ đó, anh không ngần ngại chia sẻ công thức cho mọi người. Thậm chí, anh viết sẵn ra tấm bảng về công thức ủ phân bón từ chế phẩm vi sinh vậtt bản địa, ai cũng có thể học làm theo. Sau này, anh Đông còn tận dụng chuối để ủ lên men cho ra hàm lượng kali rất cao.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/giam-50-chi-phi-phan-bon-nho-trong-chuoi-huong-huu-co-d384783.html